Khu Ramsar thứ năm của Việt Nam
Nằm trên địa phận xã Đất Mũi (H.Ngọc Hiển), VQG Mũi Cà Mau có vị trí quan trọng trong việc bảo tồn, sử dụng hợp lý vùng đất ngập nước của Việt Nam và thế giới. Vườn có tổng diện tích tự nhiên là 41.862 ha, trong đó diện tích phần đất liền 15.262 ha và ven biển 26.600 ha. Đặc trưng của VQG Mũi Cà Mau là tính đa dạng sinh học với hệ động thực vật rừng ngập mặn và diện tích mặt đất không ngừng mở rộng một cách tự nhiên do hằng năm, Mũi Cà Mau lấn ra biển hàng chục mét nhờ nguồn phù sa bồi tụ.
|
Chức năng chủ yếu của VQG Mũi Cà Mau là bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước, hạn chế xói lở, thúc đẩy quá trình bồi tụ bờ biển… Bên cạnh đó, VQG còn là nơi tổ chức các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái, hợp tác quốc tế; thực nghiệm các mô hình bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, phát huy giá trị và chức năng kinh tế của hệ sinh thái rừng ngập mặn… Qua đó cải thiện điều kiện sinh sống của người dân trong vùng, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về các giá trị của rừng và các phương pháp sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước.
Năm 2009, UNESCO chính thức công nhận một số vùng của tỉnh Cà Mau là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới, trong đó VQG Mũi Cà Mau là một trong ba vùng lõi. Năm 2012, Tổ chức Môi trường thế giới đã công nhận VQG Mũi Cà Mau là khu Ramsar mới của thế giới. Đây cũng là khu Ramsar thứ năm của Việt Nam, đứng sau VQG Xuân Thủy (Nam Định), Bàu Sấu thuộc VQG Cát Tiên (Đồng Nai), hồ Ba Bể (Bắc Cạn) và VQG Tràm Chim (Đồng Tháp). Có thể nói việc thế giới công nhận VQG Mũi Cà Mau là khu Ramsar mới của thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội là để tỉnh Cà Mau đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất ngập nước, phục vụ phát triển du lịch sinh thái; đồng thời bảo tồn nhiều loài động thực vật quý hiếm nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới.
Phát huy thế mạnh du lịch
Năm 2009, tại buổi lễ công nhận VQG Mũi Cà Mau là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã nhấn mạnh Cà Mau là một trong bốn tỉnh, thành của vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL (gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau), có thế mạnh phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái.
|
Cà Mau có ba mặt giáp biển, chiều dài bờ biển 254 km bao bọc từ phía đông sang bờ biển phía tây vịnh Thái Lan, điển hình cho vùng đất ngập nước ĐBCSL. Cà Mau hiện có khoảng 96.342 ha diện tích rừng với hệ sinh thái đa dạng. Hệ thực vật có đến 239 loài, thuộc 76 họ. Lớp thú có tổng số 36 loài, thuộc 17 họ, có 182 loài chim thuộc 38 họ; trong đó có 14 loài được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Bên cạnh đó, tỉnh đã phát hiện một số loài mới như chim choắt chân màng lớn, cò Trung Quốc, bồ nông chân xám, quắm trắng, khỉ đuôi dài...
Đến với Mũi Cà Mau là đến với cột mốc ghi dấu điểm cuối của Tổ quốc, thảm rừng ngập mặn bạt ngàn vươn ra biển, bãi triều lấn biển hoang sơ. Du khách có thể thưởng ngoạn bãi biển Khai Long sóng vỗ hiền hòa, bờ cát mịn trải dài. Ở đây còn ẩn giấu huyền thoại Khai Long, nơi gặp nhau của biển, trời và đất để sinh ra “rồng” của vùng biển hoang sơ. Bên cạnh đó, Cà Mau còn có hệ thống đảo độc đáo. Cụm đảo Hòn Khoai vừa là thắng cảnh thiên nhiên, vừa là di tích lịch sử cách mạng với cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai của nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển. Hòn Đá Bạc ven biển tây vịnh Thái Lan với những khối đá trơn nhẵn, những hang ngầm bí ẩn sát mé biển và thảm rừng bao phủ. Ngoài ra, Khu du lịch sinh thái Phân trường 184, Phân trường Kiến Vàng là những khu bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn kết hợp hài hòa với các mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp…
Mới đây, Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau phối hợp với Hiệp hội du lịch ĐBSCL tổ chức hội thảo chuyên đề “Giải pháp phát triển du lịch Cà Mau”. Tại hội thảo, Sở đã đề xuất với Bộ VH-TT-DL xúc tiến thành lập Ban điều phối phát triển du lịch ĐBSCL. Theo ông Phạm Phước Như, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2012 các địa phương như Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu đã lựa chọn một số sản phẩm du lịch tiêu biểu, liên kết tạo nên một tour du lịch đặc thù nhằm tránh sự trùng lặp về sản phẩm. Bước đầu, tour du lịch này được du khách đánh giá cao. Riêng với Cà Mau, để du lịch phát triển đúng hướng, từ nay đến năm 2015, tỉnh cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; trong đó tập trung những hạng mục công trình tại Đất Mũi, Hòn Đá Bạc, các VQG. Ngoài ra, tỉnh cần ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm cho đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động mang tính chuyên nghiệp hơn…
Chí Tín
Bình luận (0)