|
Ngày 12.4, có mặt tại xã Dân Thành, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến cánh đồng thuộc ấp Láng Cháo chẳng khác một “đại công trình” thủy lợi ngổn ngang đất, cát, với sự hiện diện của nhiều máy cạp, máy hút cát đang hoạt động hết công suất. Theo chính quyền địa phương, trên địa bàn xã hiện có 11 DN hoạt động, chuyên thu mua nguồn cát "tận thu" của các hộ nuôi trồng thủy sản. Do cự ly vận chuyển cát từ các ấp trong xã đến công trình rất gần so với vận chuyển từ nơi khác đến nên giá thu mua cát cũng tăng lên từng ngày. Lúc đầu chỉ 10.000/m3, lên 12.000 đồng/m3 và nay là 14.000 đồng/m3.
Đến nay, việc “tận thu” cát đã lan sang các ấp lân cận của xã Trường Long Hòa. Một nông dân tại ấp Láng Cháo cho biết ông được cấp phép cải tạo 3,5 ha nuôi tôm ở độ sâu 2 m, ước tính khối lượng cát dưới đáy ao khoảng 70.000 m³. Theo giá bán hiện nay 14.000 đồng /m3, ông có được gần 1 tỉ đồng, còn nhiều tiền hơn ông sang bán 3,5 ha đất trên cho người khác.
Theo ông Võ Văn Dội, Phó chủ tịch UBND xã Dân Thành, từ đầu năm 2013 đến nay UBND huyện đã cho phép 88 hộ (đang chờ thẩm định để cấp phép tiếp cho hơn 10 hộ) nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã được phép cải tạo ao nuôi và “tận thu” nguồn cát dưới đáy ao để bán, với tổng diện tích gần 1.200 ha, tương ứng gần 2 triệu m3 cát. Trong đó, tập trung nhiều nhất là ấp Mù U (nằm sát nhà máy nhiệt điện). Khi cấp phép, huyện yêu cầu các hộ xin cải tạo ao phải khai thác đúng vị trí cho phép, độ sâu không được quá 2 m so với mặt đất tự nhiên; trước khi khai thác phải làm cam kết bảo vệ môi trường; địa phương giám sát việc khai thác cát trong ao theo quy cách độ sâu khai thác, giữ và trả lại lớp đất mặt cho ao tôm sau khi hoàn thành hợp đồng; việc khai thác cát phải được khép kín trong từng ao, không để ảnh hưởng đến môi trường và các ao nuôi tôm liền kề...
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, thực tế đa số DN thường hút sâu hơn 2 m để lấy được nhiều cát. Thêm vào đó, nhiều người bán cát muốn có thêm tiền, nên họ cứ để cho DN lấy cát sâu hơn quy định dù chính họ biết rằng độ sâu này không thể thích hợp với phương pháp nuôi tôm công nghiệp hoặc bán thâm canh được nữa. Theo ông Trần Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Trà Vinh, để đảm bảo cho việc nuôi tôm công nghiệp thì độ sâu của ao phải đảm bảo mức nước từ 1,5 - 2 m. Nếu sâu hơn 2 m, mực nước sẽ bị phân tầng, độ ô xy tầng đáy thấp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của con tôm. Ở đây chưa nói đến độ sâu của ao nuôi tôm dưới 2 m sẽ gặp tầng phèn càng không thích hợp nuôi tôm công nghiệp.
Mai Trâm
Bình luận (0)