Cần bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới

17/04/2013 04:00 GMT+7

Đó là nội dung được đề cập tại hội nghị tổng kết thi hành luật Hôn nhân - Gia đình năm 2000 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 16.4 tại Hà Nội

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét bỏ quy định cấm việc kết hôn cùng giới và chấp nhận mang thai hộ, đảm bảo thực thi đầy đủ quyền của mỗi người, phù hợp với xu hướng hiện nay.

Nghiêm cấm phân biệt đối xử

Bộ Tư pháp nhận định việc thực hiện bảo vệ các quyền con người đối với người đồng tính, hôn nhân đồng tính là vấn đề thực tiễn. Theo đó, việc sử dụng quy phạm “cấm” kết hôn đồng giới dễ tạo ra hiệu ứng định kiến xã hội đối với người đồng tính.  


Một đám cưới đồng giới diễn ra vào tháng 5.2012, tại TX.Hà Tiên, gây xôn xao dư luận ở Kiên Giang - Ảnh: Minh Khánh
 

Theo ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp), có nhiều ý kiến về vấn đề giới trong kết hôn, nhưng phần lớn cho rằng, quyền của người đồng tính phải được nhà nước, xã hội và gia đình tôn trọng, bảo đảm thực hiện. “Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cần bãi bỏ quy định về cấm kết hôn giữa những người đồng giới”, ông Huệ nói.

Theo Phó chánh án TAND tối cao Tưởng Duy Lượng, cùng với tiến bộ xã hội, dần dần từ bỏ định kiến kết hôn cùng giới tính, thừa nhận sự chung sống của họ dù ít quốc gia công nhận kết hôn bởi luật pháp. Tại VN, hôn nhân đồng tính hiện không cho phép, nhưng không nên cấm việc sống chung vì đó là quan hệ người với người.

Cần luật hóa mang thai hộ

Theo Nghị định của Chính phủ về “sinh con theo phương pháp khoa học: nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ và sinh sản vô tính”. Tuy nhiên, ông Dương Đăng Huệ cho rằng: “Bản chất của mang thai hộ là nhân văn không phải cho phép “đẻ thuê” mà đảm bảo quyền làm mẹ của mọi phụ nữ, là sự giúp đỡ của phụ nữ này với phụ nữ khác để sinh ra những đứa trẻ”.

Theo Bộ Y tế, có hai nhóm cần mang thai hộ là những phụ nữ có tử cung không bình thường và người có tử cung bình thường nhưng không đủ điều kiện sức khỏe. Ông Tưởng Duy Lượng nhận định mang thai hộ là vấn đề rất nhạy cảm, nhưng chỉ nên cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại. Vì thế, theo ông, cần quy định rõ các tiêu chí cụ thể như trường hợp nào được, xác định quyền làm cha mẹ của trẻ sinh ra, đặt tình huống rủi ro của người mang thai hộ.

Một số thống kê cho thấy, 90% cuộc ly hôn đều trải qua giai đoạn ly thân. Thế nhưng, luật Hôn nhân - Gia đình chưa có quy định nên kéo theo nhiều hệ quả, gây rắc rối. Hiện tại, có nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung chế định ly thân vì đây là lựa chọn của nhiều cặp vợ chồng để giải quyết mâu thuẫn mà không muốn ly hôn, là giải pháp giúp các bên tránh tình trạng bạo lực gia đình.

Theo ông Lê Hữu Thể - Phó viện trưởng Viện KSND tối cao, ly thân có thể thay thế cho ly hôn để duy trì một môi trường ổn định cho con cái phát triển, nên bổ sung định chế này trong luật Hôn nhân - Gia đình.

Phải đảm bảo quyền con người

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cho rằng việc sửa đổi luật HN-GĐ phải đảm bảo quyền con người; bình đẳng giới, bảo vệ bà mẹ, trẻ em và những người yếu thế. Việc sửa đổi phải đảm bảo tính bền vững của mỗi gia đình. Luật HN-GĐ phải đặt mọi vấn đề của quyền con người lên hàng đầu, đảm bảo kế thừa nét văn hóa, tập tục phong tục tốt đẹp. Mỗi gia đình tốt hơn thì xã hội cũng tốt hơn, phát triển hơn.

Nam Sơn

>> Xem xét quyền hôn nhân đồng giới
>> Bộ Y tế đề xuất cho phép kết hôn đồng giới
>> Rắc rối luật quan hệ đồng giới
>> Thêm hai bang ở Mỹ ủng hộ hôn nhân đồng giới
>> Hôn nhân đồng giới, cấm hay không?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.