Giằng co về đàm phán trên bán đảo Triều Tiên

20/04/2013 03:05 GMT+7

Sau một thời gian dài căng thẳng, các bên liên quan đến bán đảo Triều Tiên đã đề cập đến đàm phán nhưng vẫn làm khó nhau về điều kiện.

Reuters hôm qua dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố Mỹ vẫn để ngỏ khả năng đàm phán “chân thực và đáng tin cậy” với CHDCND Triều Tiên, nhưng trước hết Bình Nhưỡng phải cho thấy họ nghiêm túc hướng tới việc từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Giằng co về đàm phán trên bán đảo Triều Tiên
Triều Tiên tuyên bố muốn đàm phán Hàn - Mỹ phải hủy tập trận chung - Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì cho rằng những điều kiện mà Triều Tiên đưa ra để đàm phán “là không thể chấp nhận”. Trước đó, ngày 18.4, Triều Tiên tuyên bố chỉ chấp nhận đàm phán khi được thỏa mãn nhiều điều kiện, trong đó có rút lại lệnh trừng phạt của LHQ và chấm dứt tập trận chung Mỹ - Hàn. Ông Kerry nhấn mạnh Washington sẽ không để Bình Nhưỡng “làm chủ bàn cờ” và tiếp tục nhận được viện trợ nhưng lại không thực hiện bước đi nào tiến tới phi hạt nhân hóa, theo Yonhap. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng khẳng định Seoul sẽ thoát ra khỏi tình trạng cứ phải đàm phán và viện trợ mỗi khi miền Bắc “đe dọa và khiêu khích”. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc và Mỹ đánh giá động thái ngỏ lời về đàm phán của Triều Tiên là một dấu hiệu tích cực. Nhật cũng cho rằng Triều Tiên “đang bớt khiêu khích” và không có dấu hiệu cho thấy nước này sắp phóng tên lửa như dự đoán trước đó.

 

Hàn Quốc xử tù gián điệp Triều Tiên

Ngày 19.4, một tòa án Hàn Quốc tuyên án 4 năm tù giam đối với một phụ nữ Triều Tiên vì hành vi thu thập thông tin về các nhân viên tình báo Hàn Quốc hoạt động tại nước ngoài. AFP trích cáo trạng cho hay những hành động của bị cáo đã dẫn đến vụ một nhân viên tình báo Hàn Quốc bị bắt.

Cũng trong ngày 19.4, báo Chosun Ilbo đưa tin CHDCND Triều Tiên vẫn cho phép tổ chức tư nhân Eugene Bell của Hàn Quốc đưa 8 công dân Mỹ vào miền Bắc để giám sát viện phân phát thuốc chống bệnh lao do tổ chức này viện trợ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn phong tỏa khu công nghiệp chung Kaesong và vừa từ chối cho phép đại diện Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ của miền Nam đến thăm nơi này vào tuần tới.

Trước những diễn biến trên, Yonhap dẫn lời chuyên gia Siegfried Hecker tại ĐH Stanford (Mỹ) cho rằng Triều Tiên không có khả năng thực hiện hầu hết những lời đe dọa trong thời gian qua và tình hình có thể sẽ sớm hạ nhiệt. Còn theo Giáo sư Han Suk-hee tại ĐH Yonsei (Hàn Quốc), miền Bắc đang hướng tới vị thế một quốc gia hạt nhân để tạo lợi thế khi đàm phán với các nước lớn.

Bên cạnh đó, Chosun Ilbo còn dẫn nguồn giấu tên loan tin tình trạng căng thẳng đang ảnh hưởng đến việc làm ăn của doanh nghiệp Trung Quốc tại Triều Tiên. Theo báo này, gần 100 người Trung Quốc đang bám trụ tại Bình Nhưỡng để tìm cách rút vốn nhưng gặp nhiều khó khăn và vài người đã bị trục xuất. Bình Nhưỡng và Bắc Kinh chưa có phản ứng về thông tin này.

Văn Khoa

>> Campuchia không sơ tán công dân khỏi bán đảo Triều Tiên
>> Mỹ sẽ "hạ giọng" về tình hình bán đảo Triều Tiên?
>> Mỹ điều chiến hạm thứ hai đến khu vực bán đảo Triều Tiên
>> Máy bay ném bom B-2 tung cánh trên bán đảo Triều Tiên
>> Bán đảo Triều Tiên sắp chiến tranh?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.