Thí điểm lập phòng khám bác sĩ gia đình

21/04/2013 03:30 GMT+7

Lần đầu tiên, mô hình bác sĩ gia đình được thực hiện chính quy tham gia vào hệ thống y tế VN.

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (KCB) - Bộ Y tế, năm 2013-2015, sẽ thí điểm mở 80 phòng khám (PK) bác sĩ gia đình (BSGĐ) tại 8 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Tiền Giang.

Với các bệnh mãn tính ở người cao tuổi, việc theo dõi, khám ở hệ thống bác sĩ gia đình là tiện nhất
Với các bệnh mãn tính ở người cao tuổi, việc theo dõi, khám ở hệ thống bác sĩ gia đình
là tiện nhất - Ảnh: Thanh Tùng
 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết “Đề án bác sĩ gia đình” đang bắt tay vào thực hiện là một trong những hoạt động giúp việc giảm tải tại các cơ sở KCB. Hệ thống PK này cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Theo Bộ trưởng Kim Tiến, có các mô hình linh hoạt cho PK BSGĐ: PK thuộc các cơ sở KCB công lập; PK BSGĐ lồng ghép chức năng với trạm y tế xã và đặc biệt là PK BSGĐ tư nhân.

Theo đánh giá của Cục Quản lý KCB, phòng mạch tư nhân tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân, tùy quy mô có thể khám trung bình 70 bệnh nhân mỗi buổi. Hàng chục ngàn PK như vậy trên cả nước giúp tiếp nhận hàng triệu lượt bệnh nhân khám/năm, giảm tải rất nhiều cho y tế công hiện nay.

Theo ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý KCB, PK BSGĐ sẽ có vai trò là KCB ban đầu, theo dõi, chăm sóc các bệnh mãn tính, tư vấn trong phòng ngừa bệnh tật, tham vấn loại bỏ các hành vi nguy cơ giúp người dân trong cộng đồng có thể tự bảo vệ chăm sóc sức khỏe.

Lâu nay, PK tư nhân của các bác sĩ tự định giá khám còn khi tham gia PK BSGĐ, khu vực này cần thẩm định các điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn PK sẽ chịu các quy định về mức giá dịch vụ y tế thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn; có danh mục thuốc thiết yếu, thiết bị y tế phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn.

Khám cả bệnh nhân bảo hiểm y tế

Đặc biệt, lâu nay PK bác sĩ tư là dịch vụ tự chi trả của người bệnh, nhưng khi tham gia hệ thống PK BSGĐ, các PK này sẽ tiếp nhận cả bệnh nhân BHYT.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Chính sách, Bảo hiểm xã hội VN, cho biết có các tiêu chí cụ thể và cơ chế phù hợp để Quỹ BHYT tham gia chi trả cho khu vực PK bác sĩ tư tham gia KCB cho bệnh nhân BHYT.

Đặc biệt, PK BSGĐ sẽ thực hiện khám bệnh tại nhà cho người bệnh và tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cuối đời. Lâu nay, đây là hai mảng rất trống trong khi nhu cầu rất lớn. Nhiều gia đình đang cần dịch vụ này, đặc biệt trong trường hợp gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối rất vất vả để có người chăm sóc y tế tại nhà. Mô hình BSGĐ sẽ lấp vào khoảng dịch vụ y tế rất thiết yếu mà vẫn bị bỏ trống lâu nay.

Một điểm mới cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng từ PK BSGĐ, đó là thiết lập bệnh án điện tử y học gia đình. Bệnh án lưu giữ các thông tin sức khỏe của cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư. Các dữ liệu y tế giúp bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe toàn diện và liên tục.  

TP.HCM đã có 3 phòng khám bác sĩ gia đình

Mô hình BSGĐ đã được TP.HCM công bố cách nay 6 năm. Mô hình này được Sở Y tế TP liên kết thực hiện cùng với Trường đại học Liège (Bỉ), nhằm giảm tải lượng bệnh nhân đến các bệnh viện (BV) tuyến trên. Tuy nhiên, những năm qua, mô hình BSGĐ không được đầu tư để phát triển. Đến nay, tại TP.HCM đã có 3 PK BSGĐ ở BV Q.10, BV Q.Bình Tân, BV Q.2, và chuẩn bị có thêm ở BV Q.Tân Phú. Dự kiến, đến hết năm 2013, TP.HCM sẽ có khoảng 10 PK BSGĐ và đến năm 2015 mở tổng cộng 30 PK BSGĐ.

Thanh Tùng

Liên Châu

>> Bệnh viện phụ sản quốc tế Phương Châu mở thêm phòng khám
>> Kỳ vọng từ Phòng khám đa khoa Mekong Cần Thơ
>> Chấn chỉnh bác sĩ bỏ bê phòng khám
>> Nơi biển xanh, có những bác sĩ mặc áo lính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.