Hôm qua, tòa án Sao Paulo (Brazil) kết án 23 sĩ quan cảnh sát, mỗi người 156 năm tù vì cái chết của 13 trong số 111 tù nhân thiệt mạng vào ngày 2.10.1992. Những gì xảy ra tại Carandiru được xem là một trong những vụ bạo loạn và thảm sát nhà tù nghiêm trọng nhất từ trước tới nay tại Nam Mỹ.
Mồi lửa từ buồng giam số 9
Theo tờ Foreign Policy, vào ngày 2.10.1992, tại buồng giam số 9 của nhà tù Carandiru xảy ra một vụ đánh nhau giữa 2 tù nhân thuộc các băng nhóm đối địch, khiến 1 người phải nhập viện do bị đánh trúng đầu bằng dùi cui. Đây không phải là chuyện hiếm ở Carandiru nhưng dường như hôm đó là một ngày “xấu trời” khi cuộc ẩu đả làm bùng lên làn sóng bạo lực lan rộng gần như toàn trại giam. Trong cơn say máu, các tù nhân nhanh chóng nổi loạn và dễ dàng khống chế lực lượng quản giáo, vốn lâu nay gần như “có cũng như không”. Đến 2 giờ chiều cùng ngày, các tù nhân đã kiểm soát được nhiều khu vực nhưng không có con tin nào bị bắt giữ.
Giới chức nhà tù đã báo cáo tình hình cho chỉ huy cảnh sát thành phố Sao Paulo là đại tá Ubiratan Guimaraes và bàn giao quyền kiểm soát tình hình cho lực lượng cảnh sát chống bạo động. Khoảng 3 giờ 30 phút chiều, Carandiru bị bao vây và Foreign Policy dẫn một báo cáo điều tra cho biết các tù nhân tỏ ra sẵn sàng thương thuyết bằng cách ném vũ khí qua cửa sổ và treo cờ trắng. Tuy nhiên, ông Guimaraes vẫn ra lệnh tấn công và hàng trăm cảnh sát ào vào trại giam, nhanh chóng trấn áp mọi kháng cự. Mấy ngàn tù nhân bị tập trung ra sân trong khi cảnh sát lùng sục mọi ngõ ngách.
|
|
Các nhân chứng kể lại rằng nhiều tù nhân bị bắn khi đang bỏ chạy hoặc cố gắng ẩn nấp trong xà lim. Tiếng súng rền vang ở cầu thang và các hành lang. Các chuyên gia pháp y cho biết nhiều người bị bắn theo kiểu hành quyết. Tổng cộng, cảnh sát đã bắn hơn 500 loạt đạn, giết chết tại chỗ 103 tù nhân, 8 người còn lại chết do bị bạn tù đâm trong cuộc loạn đả trước đó. Ngoài ra, còn có 87 người bị thương trong khi cảnh sát không hề hấn gì.
Chìm xuồng hơn 20 năm
Dù bạo loạn trong nhà tù không phải là chuyện hiếm ở Brazil, nhưng số người bị giết ở Carandiru và sự chậm chạp trong việc xét xử những người liên quan khiến người dân rất bất bình. Theo AFP, các kết quả điều tra mới cho thấy giới chức đã tiêu hủy nhiều bằng chứng và cố tình để vụ việc chìm xuồng trong nhiều năm. Mãi đến tháng 7.2001, đại tá Guimaraes mới phải ra tòa và bị tuyên án 632 năm tù giam. Tuy nhiên, bản án đã bị hủy bỏ năm 2006 với lý do “oan sai” bất chấp sự phẫn nộ của dư luận. Vài tháng sau, ông này bị bắn chết và đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Do đó, phiên tòa hôm qua được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng bao che cho những người phải chịu trách nhiệm. Theo AFP, trong số 23 người bị kết án, hầu hết hiện đã nghỉ hưu. Trong vài tháng tới, 79 sĩ quan cảnh sát khác sẽ ra tòa trong 4 vụ xử dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay. Lâu nay, những người này chưa bao giờ đối mặt bất cứ hình phạt nào liên quan đến vụ Carandiru. Giám đốc Văn phòng Brazil của Tổ chức Ân xá quốc tế là Atila Roque nhận định: “Vụ thảm sát Carandiru có liên quan đến các vấn đề mang tính hệ thống của hệ thống nhà tù Brazil: điều kiện sống tàn bạo và vô luật lệ, ban quản lý gần như trao quyền kiểm soát cho các trùm tội phạm nhưng khi có chuyện xảy ra thì chính quyền sẽ thẳng tay đàn áp. Thêm nữa là sự chần chừ của nhà chức trách trong việc cải thiện tình hình”.
Bên cạnh đó, theo AFP, vụ thảm sát tại Carandiru được xem là yếu tố then chốt dẫn đến sự trỗi dậy của băng đảng khét tiếng PCC vào năm 1993. Từ trong nhà tù này, các thủ lĩnh PCC chỉ đạo ám sát Giám đốc trại giam Jose Ismael Pedrosa để trả thù. Đến tháng 5.2006, Sao Paolo gần như tê liệt trong 4 ngày vì những đợt bạo loạn do PCC thống lĩnh nhằm vào các đồn cảnh sát và tổng cộng hơn 170 người chết.
Nhà tù lớn nhất Nam Mỹ Nhà tù Carandiru bắt đầu hoạt động năm 1956 và trở thành nhà tù lớn nhất Nam Mỹ với lúc cao điểm có hơn 8.000 tù nhân. Theo trang tin Terra Networks, quyền lực tại đây nằm trong tay các trùm tội phạm và “đại bàng” cộm cán với các hoạt động ma túy và mại dâm nam diễn ra gần như công khai và vô cùng nhộn nhịp. Trật tự mong manh được duy trì bởi các thỏa thuận ngầm giữa các băng đảng cũng như giữa các trùm với ban quản lý. Lực lượng quản giáo dường như chỉ đóng vai trò “bảo vệ khu chung cư”. Sau thảm sát năm 1992 và nhiều trận bạo loạn khác, một cuộc vận động đòi đóng cửa Carandiru diễn ra rộng khắp và đến năm 2002, nó bị phá hủy, chỉ giữ lại một tòa nhà để làm bảo tàng. Đời sống ở trại Carandiru cũng như trận thảm sát được bác sĩ nổi tiếng Drauzio Varella viết lại trong cuốn Estação Carandiru, dựa trên những trải nghiệm từ năm 1989-2001 khi ông làm việc tình nguyện trong tù nhằm giúp ngăn chặn dịch HIV/AIDS tại đây. Cuốn sách được đạo diễn Héctor Babenco chuyển thể thành một bộ phim rất thành công năm 2003. |
Trùng Quang
>> Cảnh sát lãnh 156 năm tù vì tội thảm sát tù nhân
>> Quân chính phủ Syria bị tố thảm sát 85 người
>> Hơn 100 người “bị thảm sát” ở Syria
>> Mỹ bắt nữ sinh đe dọa thảm sát trường học
>> Mỹ bắt kẻ dọa thảm sát trường học
Bình luận (0)