Vịt chạy đồng di chuyển nhiều nơi rất khó quản lý dịch bệnh
Lực lượng thú y H.Lai Vung (Đồng Tháp) tiêm phòng cúm gia cầm |
Mình nuôi mình ăn, sợ gì
Chúng tôi trở lại xã Tân Hội Trung (H.Cao Lãnh, Đồng Tháp), nơi xảy ra trường hợp cháu Nguyễn Duy Hoàng Huy (4 tuổi) tử vong do bị nhiễm cúm A/H5N1 vào tuần đầu tháng 4.2013. Nỗi lo về dịch cúm gia cầm đang ám ảnh người dân nơi đây. Ông Đinh Hoàng Hải, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hội Trung, cho biết tổng đàn khoảng 14.870 con vịt và 2.513 con gà trong xã đã được tiêm phòng toàn bộ. Xã cũng đã thành lập đội xung kích mang loa truyền thanh đi tuyên truyền khắp các ấp về nguy hại của cúm gia cầm và đề nghị mọi người dân tăng cường phòng ngừa. UBND xã giao trách nhiệm cho Ban nhân dân các ấp giám sát chặt việc người dân nuôi nhốt gia cầm, nếu xuất hiện dịch bệnh phải báo ngay cho cơ quan chức năng; trường hợp gia cầm chết không được vứt bừa bãi xuống sông rạch mà cần đào hố chôn theo quy định…
|
Dù chính quyền đã tìm đủ mọi cách nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh, nhưng xem ra, người dân vẫn còn khá chủ quan trước hiểm họa chết người này. Ông Nguyễn Văn Phú, ông ngoại cháu Huy, thừa nhận: “Dân nông thôn rất chủ quan với dịch cúm gia cầm. Hồi năm 2005, đã có 2 người bà con họ hàng của gia đình tử vong vì cúm gia cầm. Vậy mà vợ tôi (bà Mai Thị Phương - PV) vẫn không cảnh giác khi đi mua con gà bị cúm đem về; sau đó gà chết nhưng không vứt bỏ mà vẫn làm thịt cho cả nhà ăn để rồi xảy ra cớ sự”. Theo ông Đinh Hoàng Hải, sau khi cháu Huy qua đời, nhiều hộ xung quanh tỏ ra kỳ thị với gia đình bà Phương vì sợ lây nhiễm dịch bệnh. Địa phương phải vận động, tuyên truyền giải thích rất nhiều, nay mọi người mới bỏ thành kiến.
Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp, cho biết kết quả xét nghiệm mới đây cho thấy 24/72 mẫu swab gộp dương tính với cúm A/H5N1. Đặc biệt ở địa bàn chợ thị trấn Tràm Chim (H.Tam Nông) mẫu dương tính chiếm tỷ lệ hơn 75%. Cái khó là dịch cúm dù tái đi tái lại nhưng ý thức người dân còn lơ là, mỗi khi xảy ra bệnh mới tiêm phòng, không thì thôi. “Cũng có nghe báo đài thông báo về cúm gia cầm, nhưng ở chỗ này xưa nay đâu ai bị nhiễm bệnh nên bà con vẫn nuôi và ăn thịt gà vịt bình thường, có ai bị làm sao đâu?”, chị Đặng Thị Bích Liên (ngụ xã Vĩnh Thới, H.Lai Vung) khẳng định.
Còn chị Lê Thị Giang (ngụ P.Thuận An, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) thì nói: “Gà vịt mình nuôi mình ăn, có gì đâu mà phải lo. Còn việc tiêm phòng thì những hộ nuôi lớn, nuôi vịt chạy đồng... chứ nuôi nhỏ lẻ xung quanh nhà đâu có bị bệnh gì mà phải tiêm phòng?”.
Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết vừa phát hiện 3 con chim yến của một hộ nuôi tại P.2 (TP.Tân An) bị chết. Ngành chức năng đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, đồng thời triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Trước mắt, tỉnh yêu cầu hộ gia đình sớm có kế hoạch di dời đàn chim yến (khoảng 400 con) ra khỏi nội ô. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1 thì lập tức tiêu hủy toàn bộ đàn chim yến. Về lâu dài sẽ thông báo cho người dân không nuôi chim yến trong khu vực nội ô TP.Tân An. Cùng với chim yến, Long An hiện có đàn gia cầm khoảng 12 triệu con, số lượng thuộc loại lớn nhất ở ĐBSCL. Gia cầm ở Long An chủ yếu cung ứng cho thị trường TP.HCM, song mô hình nuôi hiện nay vẫn thuộc dạng nhỏ lẻ.
Theo ông Lê Minh Đức, sau khi bên nước bạn Campuchia xảy ra cúm gia cầm, tỉnh đã chỉ đạo 5 huyện biên giới tiếp giáp với Campuchia tiến hành tiêm phòng toàn bộ đàn gia cầm. Song song đó, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia cầm qua lại biên giới, kiên quyết xử lý trường hợp buôn bán gia cầm lậu, không rõ nguồn gốc. Hiện tại, tỉnh Long An thành lập nhiều xe lưu động đi các xã để tuyên truyền người dân ý thức phòng chống cúm gia cầm. Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết đã chỉ đạo Chi cục Thú y và các trạm thú y huyện… phối hợp chặt với chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm. Ở các huyện biên giới tiếp giáp với Campuchia như Kiên Lương, Giang Thành và TX.Hà Tiên, việc quản lý vận chuyển gia cầm và chống dịch phải siết chặt bất kể ngày đêm.
Sở NN-PTNT các tỉnh thành ĐBSCL nhìn nhận, cái khó hiện nay vẫn là tình trạng vịt chạy đồng di chuyển liên tục từ tỉnh này sang tỉnh khác, khiến việc quản lý vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi gia cầm ở ĐBSCL vẫn thuộc dạng nhỏ lẻ… nên việc tiêm phòng khó bảo đảm. Về lâu dài, các địa phương đề nghị phát triển mô hình chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn, nhằm dễ kiểm soát “đầu vào - đầu ra”. Tuy nhiên, vấn đề này rất khó do người dân nông thôn thiếu vốn; cộng với tập quán chăn nuôi lâu nay khó thay đổi trong một sớm một chiều. Giải pháp khả thi hiện nay là đề nghị người dân tuân thủ chặt việc làm chuồng trại hợp vệ sinh, đàn gà, vịt… khi nuôi phải được tiêm phòng đúng quy định. Đây là cách tốt nhất để hạn chế dịch bệnh, trong điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ còn tồn tại ở vùng nông thôn ĐBSCL.
An Lạc
Bình luận (0)