Bệnh vô cảm

25/04/2013 03:00 GMT+7

Vụ “đánh ghen giữa đường, lột đồ nạn nhân, đưa lên mạng để… công khai” đã khiến dư luận “nóng” lên mấy ngày nay. Nhưng đây không phải là vụ việc mang tính bộc phát. Nó diễn ra có quá trình, và nạn nhân đã nhiều lần trực tiếp báo cáo, trình bày với cơ quan công quyền, đặc biệt là với cơ quan công an sở tại.

Nhưng rồi, cái gì đến vẫn cứ đến. Nạn nhân vẫn bị đánh giữa đường, bị lột trần truồng và làm nhục.

Nhưng điều này mới thật đáng buồn: vụ đánh ghen xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, có rất nhiều người chứng kiến. Nhưng họ chỉ... xem, bình luận đôi câu, rồi... đi. Nhiều người xúm lại, nhưng chẳng một ai có một hành động can gián tích cực.

Khi vụ việc đã xảy ra, báo chí đã vào cuộc, thì cơ quan công an liên quan nói mình đã “làm hết trách nhiệm”. Có thể, cơ quan công an đã làm hết trách nhiệm, nhưng là khi vụ việc đau lòng đã xảy ra rồi.

Cũng như với vụ giết người dã man do “cuồng yêu” mà nạn nhân là một cô gái hiền lành, giỏi giang, nguyên học sinh chuyên văn Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), thì nạn nhân cũng đã năm lần bảy lượt trình báo cơ quan công an. Lần cuối cùng, ngay sau khi trình báo ở trụ sở công an ra, cô gái đã bị chém chết.

Có cảm giác, sự vô cảm đang lên ngôi, trong khi xã hội lại đầy những “điểm nóng”, những hành động mang tính bạo lực uy hiếp đến tính mạng và cuộc sống bình yên của nhiều công dân.

Phải công nhận một điều, bây giờ mà hành xử ngoài đường theo cách các hiệp sĩ vị nghĩa “Giữa đường thấy sự bất bằng nào tha”, thì khả năng gặp nguy hiểm là rất cao. Nhưng không thể tránh nguy hiểm bằng sự vô cảm. Một khi đã muốn cứu giúp người khác khi họ gặp nạn, thì có rất nhiều cách thức, nhiều phương tiện trong thời đại đa phương tiện này, chứ không chỉ có một cách là can thiệp trực tiếp.

Nhưng nói đi thì phải nói lại, nếu lúc gặp cảnh đánh ghen lột đồ tàn nhẫn giữa đường kia, nếu có người gọi điện báo cho cơ quan công an hay cơ quan công quyền có trách nhiệm nào đó gần nhất, thì liệu những cơ quan này có “khẩn trương vào cuộc”, hay chỉ ngồi chờ khi mọi chuyện đã xong mới “làm hết trách nhiệm”để giải quyết hậu quả?

Bệnh vô cảm là một căn bệnh hay lây, và tuy không khó nhận ra “bệnh”, nhưng rất khó để “bắt bệnh”, và nhất là để có những biện pháp “chữa bệnh”. Mặt khác, nói lý thuyết về “bệnh” này thì rất dễ, nhưng làm sao để xã hội “giảm bệnh” một cách thực tế thì rất khó. Vì nó tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ sự mất lòng tin trong xã hội, sự ích kỷ được đề cao, tính thực dụng đã trở thành một “phong cách sống” được nhiều người ưa chuộng, và cao nhất, dĩ nhiên là chủ nghĩa “mackeno” (mặc kệ nó) đã trở nên chuyện thường ngày ở huyện, tỉnh, thành phố.

Đối xử với “bệnh vô cảm” là chuyện của mọi người sống trong xã hội, nhưng trước hết, nó phải là “việc phải làm” của các cơ quan công quyền, nhất là những cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật. Vì hầu hết những vụ việc bạo lực diễn ra công khai lâu nay đều mang yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Một khi những cơ quan bảo vệ người dân, bảo vệ pháp luật cũng bị “dịch cúm vô cảm” lây lan, thì thật khó !

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.