Chọn nhiều người học hay chất lượng? - Kỳ 4: Mục tiêu nào, hình thức đó

27/04/2013 03:00 GMT+7

Những chính sách tuyển sinh của các trường ĐH trên thế giới sẽ là cơ sở tham khảo giúp Bộ GD-ĐT tìm được phương án tuyển sinh ĐH, CĐ tại Việt Nam.

Chọn nhiều người học hay chất lượng? - Kỳ 4: Mục tiêu nào, hình thức đó

Các chính sách tuyển sinh trên thế giới thường xem xét đến 4 yếu tố: kết quả của các kỳ thi, kết quả học tập ở THPT, hồ sơ xin học, và các yếu tố dân số (giới tính, dân tộc, tuổi tác, điều kiện kinh tế - xã hội của người học). Bài viết này chỉ phân tích 2 nhóm yếu tố đầu.

Nhiều lựa chọn

Các kỳ thi được sử dụng gồm thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, chuẩn hóa (tương tự SAT của Mỹ), trong đó 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH là phổ biến hơn cả.

Kỳ thi chuẩn hóa là sản phẩm đặc thù của nền giáo dục Mỹ, hiện được một số quốc gia chịu ảnh hưởng của giáo dục nước này và có điều kiện tương tự áp dụng. Kỳ thi chuẩn hóa theo kiểu SAT thường không dựa vào các kiến thức và kỹ năng trong chương trình đào tạo ở THPT mà có tính đặc thù, tổng quát hơn nhằm đánh giá khả năng thành công của thí sinh khi vào học ở bậc ĐH. Đây là một hoạt động chuyên môn có tính dịch vụ nhằm giúp người học chứng minh khả năng học tập của mình, vì vậy thường do các tổ chức khảo thí chuyên nghiệp thực hiện hoặc cũng có thể nằm ngoài các trường.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH có nhiều điểm chung vì đều dựa vào chương trình học ở THPT. Thi tốt nghiệp nhằm xác nhận người học đã đạt mức tối thiểu của trình độ THPT, còn tuyển sinh ĐH để chọn lọc những người có kiến thức và kỹ năng tốt nhất trong các thí sinh.

Do khác nhau về mục tiêu nên các kỳ thi nêu trên cũng thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan khác nhau. Thi tốt nghiệp THPT thường do nhà nước (có thể ở cấp quốc gia hoặc cấp địa phương) quản lý, nhằm bảo đảm giáo viên và học sinh hoàn tất mọi yêu cầu tối thiểu của chương trình đào tạo. Thi tuyển sinh ĐH thường do chính trường ĐH thực hiện để lấy kết quả làm cơ sở ra quyết định về việc lựa chọn thí sinh trong trường hợp số chỗ học ít hơn số người muốn học. Ở một số quốc gia trên thế giới, tuyển sinh ĐH cũng do nhà nước quản lý, đặc biệt là đối với hệ thống giáo dục ĐH công vì có sử dụng ngân sách nhà nước.

Tùy thuộc điều kiện của quốc gia và trường ĐH

Việc sử dụng kỳ thi nào trong phương án tuyển sinh hoàn toàn tùy thuộc vào mục tiêu và điều kiện của từng quốc gia cũng như từng trường ĐH cụ thể. Những quốc gia phát triển như nhiều nước ở châu u hoặc các nước Bắc Mỹ, nơi mà hệ thống giáo dục phổ thông chất lượng tốt và đầy đủ chỗ học ở ĐH cho mọi người thì hầu như chỉ cần kỳ thi tốt nghiệp THPT; việc có thêm một kỳ thi tuyển sinh hoặc kỳ thi chuẩn hóa là vấn đề thuần túy chuyên môn và vì vậy sẽ do từng trường quyết định.

Ở các hệ thống giáo dục ĐH có sự phân biệt rõ ràng giữa ĐH công (được nhà nước đầu tư và thường có chất lượng cao hơn) và ĐH tư (người học đóng học phí và chất lượng thường kém hơn các ĐH công) như ở Nhật Bản, Hàn Quốc thì sự cạnh tranh vào trường ĐH công vẫn hết sức gay gắt. Vì vậy, các kỳ thi thực sự có vai trò gác cổng, và việc tổ chức thêm một hoặc thậm chí thêm nhiều kỳ thi khác sau kỳ thi tốt nghiệp THPT rõ ràng là cần thiết để loại bớt những thí sinh mà các trường không có khả năng để nhận.

Phải cân nhắc khi xét tuyển bằng kết quả bậc phổ thông

Sử dụng kết quả học tập ở bậc phổ thông để xét tuyển vào ĐH là cách làm tiên tiến về nhiều mặt. Chẳng hạn cho phép nhìn nhận năng lực của người học qua suốt một quá trình chứ không chỉ ở điểm cuối; giúp phát hiện những học sinh có nỗ lực cải thiện, năng khiếu hoặc sự say mê đặc biệt đối với ngành học. Điều này cho phép các trường ĐH có được quyết định đúng đắn hơn đối với quá trình tuyển sinh...

Song việc xét học bạ trong tuyển sinh thường không được sử dụng phổ biến ở những nước đang phát triển vốn không có một nền giáo dục ĐH đại chúng. Tại một nước như Việt Nam với rất nhiều bất cập, thiếu thốn trong giáo dục phổ thông, nơi có được tấm bằng ĐH vẫn hầu như là cánh cửa vào đời duy nhất đối với thanh niên, thì việc xét tuyển vào ĐH bằng kết quả học tập ở bậc phổ thông cần phải thực sự cân nhắc trước khi sử dụng, và nhất thiết phải sử dụng kết hợp với những yếu tố khác có tính khách quan hơn.

Tự chủ phải đảm bảo chất lượng

Loạt bài Chọn nhiều người học hay chất lượng? sau khi đăng tải đã nhận được ý kiến đa chiều của đông đảo bạn đọc.

Bạn đọc có địa chỉ hitokotaro@gmail.com ủng hộ thi theo kiểu Mỹ của ĐH Quốc gia Hà Nội bởi “cách làm này kiểm tra được khả năng tư duy, tìm kiếm năng lực riêng của từng cá nhân”. Một số ý kiến đồng tình với phương án tuyển sinh riêng của 4 trường ĐH ngoài công lập. Còn bạn đọc giesuoiitrustinyou@yahoo.com cho rằng: “Kỳ thi ĐH quá áp lực và may rủi nên nếu xét cả quá trình học sẽ khách quan, công bằng hơn với học sinh”.

Trong khi đó, nhiều bạn đọc lại tỏ ra quan ngại về tính khả thi của các đề án tuyển sinh riêng. Bạn đọc dinhhungthaibinh01@hotmail.com thẳng thắn: “Vì không tuyển được học sinh nào nên các trường trên mới đề xuất phương án tuyển sinh theo kiểu này”. Tương tự,

phihung1856@gmail.com chia sẻ: “Tôi không thấy tin tưởng và yên tâm về chất lượng tuyển sinh thông qua xét tuyển dựa vào kết quả học THPT và thi tốt nghiệp”. Bạn đọc tuan.doanh@gmail.com ủng hộ kỳ thi “3 chung” và đề nghị: “Hãy để các trường cạnh tranh thực sự, sau khi lấy kết quả “3 chung” có thể xét thêm các điều kiện khác tùy điều kiện từng trường. Các trường muốn được tự chủ tuyển sinh phải là các trường có uy tín, đảm bảo chất lượng”.

Hà Ánh (tổng hợp)

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh

>> Chọn nhiều người học hay chất lượng ?
>> Chọn nhiều người học hay chất lượng ? - Kỳ 2: Cần chuẩn chung để đánh giá
>> Chọn nhiều người học hay chất lượng? - Kỳ 3: Tránh rủi ro và đảm bảo công bằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.