(TNO) Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 26.4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức lên tiếng về việc vì sao chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn thế giới vài triệu đồng/lượng, cũng như mục đích của hoạt động đấu thầu vàng.
Trả lời về khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc NHNN, khẳng định Việt Nam không sản xuất vàng, tất cả nhu cầu vàng miếng đều phải xuất ngoại tệ nhập khẩu. Trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô, phải lựa chọn mục tiêu ưu tiên ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối, nên 2 năm qua NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Đây là nguyên nhân đầu tiên khiến giá vàng trong nước cao hơn thế giới.
Thứ hai, nhu cầu vàng trong nước là có thực, đặc biệt nhu cầu từ các tổ chức tín dụng để tất toán trạng thái vàng, trước đó huy động cho vay vàng.
Thứ ba, từ 12.4 đến nay giá vàng thế giới sụt giảm mạnh nhất trong 30 năm qua. “Mặc dù có chênh lệch nhưng không xảy ra sốt vàng, gây ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, đặc biệt tỷ giá và ngoại tệ”, ông Hưng nói.
Liên quan đến việc NHNN thực hiện đấu thầu có đạt mục tiêu không, theo ông Hưng, NHNN đấu thầu là theo quy định của pháp luật. Mục đích để tăng lượng cung vàng trên thị trường, đây là yếu tố quan trọng giảm áp lực cầu vàng trong nước. Nếu NHNN không tham gia bình ổn thị trường, không cấm nhập khẩu vàng thì thị trường trong nước còn biến động rất mạnh, nhất là về giá khi nhu cầu vàng không được đáp ứng.
Qua 12 phiên đấu thầu, NHNN cung ứng hơn 12 tấn vàng, đạt được mục tiêu đầu tiên tăng cung, giảm áp lực cầu vàng trong nước. Ngoài ra, tránh được xáo trộn trên thị trường, không bị sốt vàng, bình ổn tỷ giá, hoạt động thị trường ngoại tệ.
Trước câu hỏi có hay không khi đấu thầu, NHNN chủ yếu bán cho các ngân hàng để tất toán vàng, ông Hưng cho biết, sau khi triển khai góp phần giải quyết áp lực cầu vàng, nhu cầu nắm giữ vàng và đầu tư đã giảm mạnh. Đối với tổ chức tín dụng, về mặt nguyên tắc NHNN có thể bán vàng trực tiếp, nhưng để đảm bảo công bằng, công khai minh bạch, nên quyết định đấu thầu công khai. Cho phép tổ chức đáp ứng đủ điều kiện được tham gia đấu thầu, khối lượng trúng thầu một phần tất toán, một phần bán ra thị trường, nên thị trường không bị biến động, xáo trộn.
Anh Vũ
>> Thêm 25.700 lượng vàng được bán qua đấu thầu
>> Giá vàng tái lập mốc 43 triệu đồng/lượng
>> Đấu thầu vàng, ai lỗ ?
>> “Đấu thầu vàng không nhằm mục tiêu bình ổn giá”
Bình luận (0)