Nhà quản lý và di sản

26/04/2013 03:10 GMT+7

Ngay cả khi Hội An được tiếng là nơi bảo tồn di sản tốt nhưng vẫn đối mặt với các nguy cơ xáo trộn. Người dân giữ gìn từng viên gạch, từng cấu kiện gỗ cẩn thận, nhưng đây đó có thể thấy di sản đã được UNESCO tôn vinh này đang chịu nhiều áp lực, dần chuyển thành một thành phố dịch vụ.

Bằng chứng là nhiều ngôi nhà cổ đang được sử dụng để buôn bán, cứ thế hàng quán san sát nhau ở một số khu vực.

Dẫu sao thì Hội An vẫn còn may mắn khi các cấp quản lý cũng nhận ra tình trạng trên. Thế nhưng, cách đó không xa, Mỹ Sơn đã không được nhà quản lý bảo vệ như thế. Sau khi bê tông hóa suối cổ Khe Thẻ, một lãnh đạo Quảng Nam cho rằng sẽ lấp đất lại để hoàn trả hiện trạng ban đầu. Lãnh đạo này không hiểu rằng việc đào khảo cổ tỉ mỉ bằng những chiếc chổi bé xíu khác xa với việc xúc bằng máy móc cỡ lớn đã làm tại suối. Ông cũng chẳng nhận thức ra tầng văn hóa, một khi đã bị xúc bằng máy móc hạng nặng như thế là không thể hoàn lại nguyên trạng.

Vốn dĩ, di sản tồn tại ra sao lệ thuộc rất nhiều vào kiến thức, ứng xử của nhà quản lý. Có phần di tích chết hẳn như đoạn suối Khe Thẻ vừa bị đào. Có cái dở sống dở chết như những bức tượng La Hán được tô móng đỏ, nhá lông mày tại chùa Đậu. Cũng có những di tích chết ngạt vì của biếu là những con sử tử đá kiểu Trung Hoa, đèn đá Nhật Bản... Nó cho thấy những nhà quản lý văn hóa không mang tố chất nhà văn hóa trong mình.

Lỗi nhận thức này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi đặt cạnh một loạt ý kiến của các chuyên gia di sản vốn được các nhà nghiên cứu quốc tế tôn trọng. Không ai đòi hỏi một lãnh đạo có hiểu biết sâu của một chuyên gia. Nhưng cũng chính vì thế, dựa vào tham vấn chuyên gia lại là điều lãnh đạo nhất thiết phải làm khi định hình chính sách. Bên cạnh đó, chính sách và thực thi chính sách bảo vệ di sản lại quá hiền lành. Phía Bộ VH-TT-DL không hề có những chỉ đạo rốt ráo để sai phạm phải được giải quyết triệt để. Các nhà khoa học cũng khó tiếp cận thông tin liên quan đến quá trình thực hiện dự án có liên quan di sản, trong khi nó rất nên được công khai minh bạch. Do đó, nhà khoa học có muốn hiến kế cũng rất khó.

Vì thế, trong việc hình thành các dự án kinh tế và xã hội liên quan đến di sản, các nhà nghiên cứu văn hóa phải được tiếp cận thông tin, có quyền soạn thảo. Chúng ta nên tránh âm thầm làm, rồi đẩy chuyên gia văn hóa vào thế góp ý khi sự đã rồi.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.