Sức sống vùng kinh tế mới Bãi Thơm

29/04/2013 10:40 GMT+7

Từ một vùng đất hoang vu, rừng rậm, sau 20 năm xây dựng và phát triển, xã Bãi Thơm (H.Phú Quốc, Kiên Giang) đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Sức sống vùng kinh tế mới Bãi Thơm

Đường bê tông ấp Đá Chồng do Nhà nước và nhân dân cùng làm .

 Sức sống vùng kinh tế mới Bãi Thơm

Ngày càng có nhiều du khách đặt chân đến Bãi Thơm - Ảnh: Giang Sơn

Những con số ấn tượng

Xã Bãi Thơm được thành lập năm 1993 theo Nghị định số 19/CP ngày 24.4.1993 của Chính phủ. Ông Phan Xuân Trí, Bí thư Đảng ủy xã Bãi Thơm, cho biết ngày ấy nơi đây hoang vu, rừng thiêng nước độc, không điện, không đường. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân chỉ có chiếc radio. Lương thực, thực phẩm cực kỳ thiếu thốn. Toàn xã chỉ có 1 trạm y tế với 1 y sĩ; 1 trường học với 6 giáo viên…

Được  sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với sự đoàn kết, chung lòng của Đảng bộ và nhân dân, đến nay xã Bãi Thơm đã có nhiều khởi sắc. Toàn xã hiện có 1.130 hộ với hơn 5.300 nhân khẩu. Tốc độ tăng trưởng bình quân 12% năm; hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Trên 90% hộ có điện sử dụng, đường liên ấp được bê tông hóa; trên 90% dân số sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; 99% số hộ dân được xem truyền hình. Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội ngày càng đảm bảo. Các văn phòng ấp, trường học, trạm y tế đều được xây dựng kiên cố, khang trang. Ông Nguyễn Văn Nhưỡng, Chủ tịch UBND xã Bãi Thơm, cho biết: “Sau 20 năm thành lập, đời sống người dân trong xã ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 18 triệu đồng/năm”.

Từ khi tuyến đường Dương Đông - Bãi Thơm được nâng cấp đầu tư, cảng Đá Chồng đưa vào hoạt động đã góp phần phát triển kinh tế của xã. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông - lâm nghiệp. Nhiều  trang trại theo mô hình tổng hợp trồng cây, gây rừng kết hợp chăn nuôi với vốn đầu tư trên 5 tỉ đồng đã được nhiều hộ nông dân ở ấp Đá Chồng xây dựng để phát triển du lịch sinh thái. Ngành nông nghiệp cũng có bước phát triển đáng kể. Năm 2012 tổng thu nhập từ thủy sản đạt 10 tỉ đồng; sản lượng tiêu đạt 52 tấn; sản lượng hạt đạt 30 tấn; rau màu, cây ăn trái các loại đạt 70 tấn…

Ngành thương mại, dịch vụ du lịch đã hình thành và từng bước phát triển. Nếu năm 2005 có khoảng 600 lượt du khách đến xã tham quan, thì năm 2012 có đến 3.400 lượt khách, riêng quý 1.2013 có 2.000 lượt khách. Tổng thu ngân sách năm 2012 trên 4 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các đối tượng nghỉ hưu, mất sức, thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước cũng được chi trả chế độ chính sách kịp thời, đúng đối tượng, từ đó tạo được lòng tin và sự phấn khởi trong nhân dân.

Tiết kiệm góp phần xây dựng quê hương

Ông Phan Xuân Trí, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Hằng tháng, trong các cuộc họp định kỳ, ban thường vụ Đảng ủy đều đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ của địa phương một cách cụ thể, mang lại hiệu quả cao. Vấn đề đầu tiên đặt ra là vận động nhân dân thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chuyển đổi phát triển dịch vụ, du lịch. Các chi bộ đảng cơ sở tích cực vận động nhân dân trong xóm, ấp hưởng ứng các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, hoàn thành các chỉ tiêu pháp lệnh, nghĩa vụ công dân”.

Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong năm 2012 vừa qua, Đảng bộ đã thực hiên mô hình tiết kiệm. Toàn bộ tiền thưởng của cấp trên dành cho Đảng ủy, UBND, mặt trận, các đoàn thể đều được gom về một mối để mua sắm đồ dùng phục vụ công tác; bảng chi phí công tác văn phòng đều được dán công khai tại UBND xã. Nhờ vậy tiết kiệm được nhiều cho ngân sách địa phương.

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, xã Bãi Thơm đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Đó chính là tiền đề để tiếp tục vững bước đi lên, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra.

Giang Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.