|
Từ sáng sớm, người dân Lý Sơn đã có mặt tại cầu cảng để đón rước bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và di tích quốc gia đình làng An Vĩnh về nơi tổ chức lễ hội. Cụ Võ Hiển Đạt (80 tuổi) thổ lộ rằng là hậu duệ của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa, người dân Lý Sơn hôm nay quyết đồng tâm hiệp lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể của các di tích liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa để giáo dục thế hệ con cháu mãi mãi ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân và nâng cao lòng yêu nước, ý thức bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của đất nước.
Đây là lễ hội duy nhất gắn liền với lịch sử ra đời và hoạt động của Đội Hoàng Sa, với lịch sử chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên biển Đông; đồng thời mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh đặc sắc, là một phần máu thịt của người dân đất đảo, được bao thế hệ kế tục, gìn giữ lưu truyền và tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm. “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tồn tại hàng trăm năm qua trên đất đảo Lý Sơn và dọc ven biển Quảng Ngãi. Nơi nào có người đi lính Hoàng Sa thì nơi ấy có lễ thức Khao lề thế lính. Dần dần lễ thức này trở thành lễ thức chung của nhiều dòng họ”, theo TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi.
TS Vũ cho rằng trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân Lý Sơn luôn ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân vì nghĩa lớn, dám đối mặt với “chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây” để đồng đội bó xác mình thả xuống biển nếu chẳng may bỏ mạng giữa biển khơi. Đó chính là ước nguyện của các binh phu Hoàng Sa với mong ước mong manh là thân xác được trôi về bản quán. Một ước nguyện nhân văn và cao cả vô cùng. Ước nguyện là vậy những giữa trùng dương mênh mông, đầy bất trắc, hiểm nguy nên “người đi thì có mà không thấy về”. Thân xác biết bao binh phu vĩnh viễn nằm lại biển khơi, hóa thành cột mốc biên cương của Tổ quốc. Những mộ gió chiêu hồn không xác người, chỉ có hình nhân bằng đất sét, xương cốt là mấy đoạn cây dâu ở đảo Lý Sơn là minh chứng bi hùng về Hoàng Sa, Trường Sa.
Những chiếc thuyền câu tượng trưng cùng những hình nhân thế mạng được thả xuống biển và “giong buồm tiến ra khơi xa” tại lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa chính là hình ảnh nhắc nhở con dân đất Việt ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân cũng như luôn mãi mãi khắc sâu trong tim mình về vùng biển đảo thiêng liêng Hoàng Sa, Trường Sa.
Hiển Cừ
>> Khai mạc lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
>> Góp sức trẻ cho lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
>> Chương trình lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
>> Tri ân hùng binh Hoàng Sa
>> Rước linh vị các hùng binh Hoàng Sa nhập điện đình làng An Vĩnh
Bình luận (0)