Ông Nguyễn Văn Cón, ngụ ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ (H.Cái Nước, Cà Mau) được xem là người đầu tiên ở Cà Mau sáng chế bếp tiết kiệm than, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Ông Cón cho biết mình chỉ là một nông dân bình thường, học vấn mới hết lớp 5. “Một bữa hồi đầu năm 2010, tôi đến lò rèn nhờ trui lại con dao về xài. Tôi quan sát thấy cái bếp lò rèn người ta muốn cho nhiệt độ tăng là tăng, muốn giảm là giảm, thậm chí cho ngưng luôn cũng được. Từ đó tôi mới nảy ra ý tưởng sáng chế bếp than nấu ăn theo mô hình này để tiết kiệm than cho gia đình”, ông Cón kể.
|
Nghĩ thì dễ, làm mới khó. Ông Cón phải lôi hết các vật dụng có được trong nhà như: kềm, kéo, mỏ hàn chì, khoan… để thực hiện ý tưởng của mình. Còn vật liệu để làm ra chiếc bếp than thì hết sức đơn giản: dùng hai cái thau có kích cỡ khác nhau, sau đó kết dính lại ở phần đáy để tạo thành hình một cái lẩu truyền thống, bên trong dùng một cái ơ đất để làm buồng đốt than, rồi lắp đặt hệ thống quạt tự tạo bằng chiếc lon sữa bò để cung cấp oxy, giống như mô hình bếp than của lò rèn. Theo ông Cón, việc tạo ra chiếc quạt gió phù hợp không dễ chút nào, bởi nếu mình làm cánh quạt lớn quá sẽ bị thừa gió, bụi tro bếp bay ra ngoài. Còn làm nhỏ quá thì không cung cấp đủ lượng gió, than không cháy hết. Phải làm đi làm lại hơn nửa năm trời ông mới tạo được cái quạt gió như ý muốn.
Cuối năm 2011, ông Cón mang chiếc bếp than cải tiến ra xài thử. Kết quả, bếp tiết kiệm than rất nhiều so với bếp than truyền thống. Tuy nhiên, vẫn còn một vài khiếm khuyết cần phải khắc phục. Do tuổi cao mắt kém, ông Cón phải chuyển giao toàn bộ quy trình sản xuất bếp than tiết kiệm cho người cháu là anh Cao Truyền Thống (ngụ ấp Bào Kè, xã Lương Thế Trân, H.Cái Nước), còn ông đóng vai trò tư vấn kỹ thuật. Anh Thống cho biết: “Khi có cố vấn bên cạnh, chiếc bếp than tiết kiệm đã hoàn thiện, được ngành chức năng đánh giá cao về khả năng an toàn phòng chống cháy nổ so với các loại bếp khác”.
Hiện ở ĐBSCL, bếp cải tiến tiết kiệm than theo mô hình này đã được nhiều người sản xuất để bán ra thị trường, với giá bán từ 200.000 - 500.000 đồng, tùy theo chất liệu, kích cỡ.
Bài, ảnh: Gia Bách
>> Apple nhận bằng sáng chế "lướt để mở
>> Mê sáng chế robot
>> 9 sáng chế nhận giải thưởng
>> Chàng trai 9X sáng chế nhiều robot
Bình luận (0)