Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 7: Sưu tầm đồ vật thời chiến tranh và bao cấp

02/05/2013 03:45 GMT+7

Xuất thân từ một người lính, phần lớn cuộc đời kinh qua những khó khăn gian khổ của chiến tranh và thời bao cấp, nhà văn - nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đã lặng lẽ sưu tầm hơn 3.000 món đồ ghi lại một chặng đường của đất nước.

>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 6: Bộ sưu tập ché cổ và những viên đá quý hơn vàng
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 5: “Gã khùng” thành Nam
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 4: Hai vua chim cảnh ở Huế

Từ năm 1998, khi chứng kiến nhiều người Hà Nội vứt bỏ đồ vật đã gắn bó với họ suốt thời khó khăn như: xe đạp, máy quay đĩa Liên Xô, sổ gạo, tem phiếu, cặp lồng… để thay bằng đồ sinh hoạt mới tiện nghi hơn, anh Nguyễn Ngọc Tiến (phóng viên Ban Phóng sự - Điều tra Báo Hà Nội Mới) đã nảy ra ý định sưu tầm đồ thời bao cấp. Anh bắt đầu sưu tầm đồ phế liệu chiến tranh làm thành đồ sinh hoạt từ năm 2001 khi vô tình nhìn thấy những chiếc điếu cầy làm bằng ống pháo sáng mà Mỹ đã sử dụng ở Quảng Trị năm 1971. Anh thừa nhận mình luôn suy nghĩ và trăn trở về thời kỳ bao cấp, về những hiện tượng như tại sao một hòn đá có khắc tên người dùng để xếp hàng mua mấy lạng thịt lại có thể đại diện cho người ấy trong thời bao cấp… Anh đã tự mày mò tìm kiếm, sưu tầm từng cuốn sổ lương thực, từng tấm phiếu tem sữa, hoặc giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng sinh đã ố vàng… và gìn giữ chúng đầy trân trọng.

 Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 7: Sưu tầm đồ vật thời chiến tranh và bao cấp 1
Nhà sưu tầm Nguyễn Ngọc Tiến - Ảnh: Ngọc Bi

Lọt tầm ngắm của… bà đồng nát

Kết quả của thú sưu tầm suốt 15 năm qua khiến anh Tiến sở hữu hơn 3.000 món đồ, trong đó có nhiều món đồ lặt vặt đã được anh tặng lại cho bạn bè hoặc cho mượn trưng bày tại cửa hàng. Tất cả đồ sưu tầm trên đều để chật kín ba tầng nhà, khiến nhà anh không khác gì nhà kho, thậm chí có thời kỳ anh phải đi thuê ở nơi khác vì không còn diện tích sinh hoạt.

Nhà anh luôn được các bà đồng nát nhòm ngó, săn đón, thậm chí năn nỉ anh bán lại vì chỉ cần mở cửa nhà, đập vào mắt là vô số đồ sưu tầm như bi đông, ca nhôm, dép cao su, vòi nước công cộng, quạt tai voi Liên Xô, dần sàng thúng mủng, cối xay bột, nồi niêu xoong chảo cũ, bom bi… cứ xếp chất chồng lên nhau từ trong ra ngoài, thậm chí tràn tới gần mép cửa. Khách khứa lạ tới nhà nhiều khi cũng phát hoảng và hoang mang sợ nhầm nhà. Người nào sau khi được biết thú sưu tầm của chủ nhà thì thường ngại ngùng không dám tới chơi lần sau vì không biết ngồi vào đâu. Anh Tiến cũng phải gửi nhờ một số món tại nhà bạn bè hoặc thuê kho để cất giữ, bảo quản được lâu dài.

Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 7: Sưu tầm đồ vật thời chiến tranh và bao cấp 2
Xe đạp thời bao cấp có vành và chắn bùn làm từ xác máy bay Mỹ - Ảnh: Nguyễn Ngọc Tiến cung cấp

Nhằm giúp những người trẻ thời nay có điều kiện tìm hiểu về một thời quá khứ đáng ghi nhớ, từ đó thêm thông cảm với thế hệ của ông cha và trân trọng những gì mình hiện có, anh Tiến từng có thời gian mở quán Cà phê Báo (65 Trần Quốc Toản, Hà Nội) suốt mấy năm trời, chủ yếu để trưng bày đồ sưu tầm tại đây, thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước tới tham quan. Tiếc là sau khi quán Cà phê Báo bị đóng cửa, tâm nguyện tìm kiếm một địa điểm khác rộng rãi để tiếp tục mở quán và trưng bày đồ sưu tầm của anh vẫn chưa có cơ hội được hoàn tất. 

Gập ghềnh đường sưu tầm

 

Triển lãm Tôi kể chuyện này của Nguyễn Ngọc Tiến từ ngày 3-8.12.2012 tại Nhà triển lãm 29 phố Hàng Bài đã trưng bày hơn 50 đồ vật dùng cho sinh hoạt hằng ngày được chế tác từ phế liệu chiến tranh, trong đó có nhiều đồ vật làm từ xác máy bay B52 bị bắn cháy trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12.1972 đã thu hút gần 1.000 lượt người xem, trong đó có nhiều người nước ngoài đang công tác tại Hà Nội. Nhiều trường phổ thông trong thành phố đã đưa học sinh đến xem triển lãm như một buổi học ngoại khóa.

Yêu thích là vậy nhưng việc tìm kiếm, sưu tầm lại những đồ vật này cũng không phải dễ dàng. Anh huy động bạn bè, người thân tích cực lục lọi những đồ không dùng trong gia đình để tìm những món đồ thời bao cấp. Anh cũng thuê hẳn người tỏa đi các điểm tập kết hàng đồng nát, tìm kiếm những món đồ mà anh cho rằng có giá trị tinh thần to lớn. Mỗi lần được báo có một món hàng ở địa phương nào đó, anh lại gác mọi việc, lao xuống xem, nằn nì mua bằng được. Ngược lại, cũng có nhiều món đồ do chính những độc giả hoặc khán giả đài truyền hình vô tình đọc được những bài báo hoặc chương trình truyền hình nói về thú chơi của anh mà cảm khái gửi tặng, như một sự chia sẻ, động viên.

Nhớ lại kỷ niệm sưu tầm bộ bàn uống trà và 6 chiếc ghế làm hoàn toàn từ xác máy bay B52 rơi xuống làng Hữu Tiệp năm 1972, anh Tiến cho biết chủ nhân cũ của bộ bàn ghế này là một thợ cơ khí, và bộ bàn ghế này cũng là một kỷ niệm quý đối với chính ông ta nên ông nhất định không bán. Sau 2 tháng trời kiên trì đeo bám, thuyết phục, anh Tiến mới được ông đồng ý "trao lại" kỷ niệm và kèm theo câu": Nếu anh có ý định bán lại thì hãy gọi cho tôi". Một bà từng làm mậu dịch viên đã lên tận cơ quan tặng anh một tô đựng phở mậu dịch quốc doanh năm 1962, với mong muốn giúp bộ sưu tập của anh thêm phong phú và mọi người cùng biết đến.

Đến nay anh Tiến đang sở hữu những món đồ quen thuộc thời chiến tranh chống Mỹ như chiếc ca sắt tráng men, gạt tàn thuốc lá bằng vỏ máy bay B52, bi đông đựng nước của nhà thơ Phạm Tiến Duật, gậy Trường Sơn của đại tá Bùi Đình Nguyên, mũ sắt, xác máy bay, vỏ bom bi, súng cao su của một cán bộ lão thành tặng… hoặc những món đồ thời bao cấp, từ những vật nhỏ xíu như cây kim khâu đến những chiếc xe máy MZ của nhà tình báo huyền thoại thời chống Pháp Tạ Đình Đề…

Nguyễn Ngọc Tiến cho biết anh vẫn kiên trì trên con đường sưu tầm nhưng dự định trong tương lai sẽ tặng lại toàn bộ bộ sưu tập của mình cho Bảo tàng Hà Nội.

Ngọc Bi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.