(TNTS) Cái tít câu view thế thôi chứ xin nói ngay ở đây không liên quan gì đến chuyện khoe thân hay lộ hàng gì đâu ạ. “Cởi hay không cởi?” là câu hỏi đau đáu của các siêu anh hùng Mỹ. Có nên cởi bỏ mặt nạ (trừ Siêu Nhân khi chỉ cần bỏ kính, thay đồ và chải ngược tóc là không ai nhận ra) để có thể sống cuộc đời thật của mình hay mãi mãi ngụy trang để giữ an toàn cho những người thân yêu (Người Nhện) hoặc bảo vệ niềm tin của cộng đồng vào những điều tốt đẹp hiếm hoi (Người Dơi)?
Thậm chí với người đã “lộ sáng” như Người Sắt thì thật ra lớp vỏ siêu anh hùng/tỉ phú thiên tài cao ngạo cũng là một cái kén để che đậy khủng hoảng của bản thân. Khi bị tước bỏ vỏ bọc bên ngoài, mất đi năng lực hay khi bị xã hội khước từ, thậm chí khiếp sợ, người hùng lập tức chìm vào bi kịch về nhân dạng và lẽ sống.
Chủ đề nặng nề này từng được thể hiện trong bộ phim tăm tối và rối rắm Watchmen (2009) nhưng nay lại bước lên màn bạc theo một cách dễ tiếp cận hơn rất nhiều nhờ Iron Man 3. Hồn vía của phim dĩ nhiên vẫn là Robert Downey Jr. càng đóng càng hay khi anh gần như chỉ việc bê nguyên trạng sự “tửng và ngầu” của mình ngoài đời là ra một Tony Stark tay chơi, hào hoa và khó lường với cái đầu bác học. Hầu như mọi câu thoại thông minh nhất trong phim đều phát ra từ cái mặt “đêu đểu, tỉnh bơ” của Downey Jr. Từng bước lên đỉnh cao với đề cử Oscar với Chaplin, bộ phim tiểu sử về vua hài Charlie Chaplin năm 1992, rồi chìm sâu vào vực thẳm của rượu và ma túy nên anh cũng hiểu rất rõ sự hoang mang, giằng xé của một người đàn ông đang là hình mẫu ước mơ của bao người bỗng mất đi tất cả rồi lại phải từ từ leo dốc trở lại đỉnh cao.
|
Gwyneth Paltrow cũng là một điểm sáng khi trong phần này, nhân vật Pepper Potts của cô được trao vai trò lớn hơn. Potts không còn đơn thuần là bạn gái kiêm trợ lý của Iron Man mà thậm chí còn cứu mạng chàng anh hùng luôn coi trời bằng vung. Dày dạn kinh nghiệm và sở hữu một vẻ đẹp thanh tao, sang trọng, Paltrow là lựa chọn hoàn hảo cho một thiếu phụ cứng cỏi, “dữ dằn” nhưng vẫn có gì đó ngây thơ, yếu đuối.
Ben Kingsley thì cho thấy không dưng mà người ta trao một giải Oscar, 2 Quả cầu vàng và phong tước Hiệp sĩ cho ông. Nam diễn viên kén phim Guy Pearce hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với nét diễn khi sắc lạnh khi gian xảo, bệnh hoạn. Khuyết điểm nếu có là hình như sự duyên dáng, sắc sảo của Rebecca Hall và tài năng của nam diễn viên Trung Quốc kỳ cựu Vương Học Kỳ hơi bị phí phạm.
Là một biên kịch rất thành công và từng nhận nhiều khen ngợi khi ngồi ghế đạo diễn với Kiss Kiss Bang Bang (bộ phim góp phần đưa Robert Downey Jr. trở lại) nên Shane Black xử lý Iron Man 3 cực kỳ khéo léo. Từ đoạn trailer giới thiệu “lừa tình” khiến ai cũng nghĩ phim sẽ rất tăm tối cho đến cách biến tấu nhân vật The Mandarin vô cùng bất ngờ. Tình huống được sắp xếp từ quá khứ đến hiện tại, đan xen hồi hộp với hài hước vô cùng nhuyễn. Những “tai nạn” giúp cười thả ga của bộ giáp Mark 42 đi liền sau một pha nghẹt thở không những không vô duyên mà còn nêu bật được sự không hoàn hảo và yếu đuối của siêu anh hùng, từ đó giúp khán giả gần gũi và dễ “cảm” nhân vật hơn. Về kỹ xảo cũng có khen thế nào cũng chỉ là thừa thãi. Thích nhất là đoạn mấy chục bộ giáp với hình dáng và đặc tính riêng cùng nhau tác chiến “nổ banh màn hình”, gợi lại cảm giác xem 5 Anh em siêu nhân năm nào mà lại không gây rối mắt như mấy phim Transformers.
Cũng xin nói thêm là nếu kiên nhẫn chịu đựng phần giới thiệu đoàn làm phim dài vô tận lẫn những ánh mắt sốt ruột của nhân viên phòng chiếu, bạn đọc sẽ không bỏ lỡ đoạn hậu kết rất hài hước khi Tony Stark thổ lộ nỗi lòng với một “chuyên gia” rất “rành rẽ” cách giải tỏa những ẩn ức và giận dữ trong thế giới Marvel.
Trọng Kha
>> Poster lãng mạn của "Iron Man 3" gây sốt
>> Robert Downey Jr. bị thương khi đóng Iron Man 3
Bình luận (0)