Sớm giảm lãi suất vay USD

03/05/2013 03:00 GMT+7

Không chỉ mong muốn được giảm lãi suất vay VND xuống còn 10%/năm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm chỉ đạo giảm thêm lãi suất vay USD xuống còn khoảng 5% để có cơ hội giảm chi phí, đẩy mạnh hàng xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh.

Sớm giảm lãi suất vay USD

Doanh nghiệp mong muốn được sớm giảm lãi suất cho vay USD để đẩy mạnh xuất khẩu - Ảnh: Ngọc Thắng

Lãi suất cho vay USD quá cao

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện lãi suất (LS) cho vay USD phổ biến ở mức 5 - 7%/năm đối với ngắn hạn, 6 - 8,5%/năm đối với trung dài hạn. Trong bối cảnh khó khăn, sức khỏe, năng lực tài chính, hệ số tín nhiệm của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu bị hạ thấp, nhiều khoản nợ bị quá hạn, nên các ngân hàng (NH) thương mại rất ngần ngại cho vay; nếu cho vay cũng thường áp mức LS vẫn khá cao. “Mức 5% chúng tôi chỉ dành cho các DN xuất khẩu quy mô lớn, thuộc các ngành hàng ưu tiên xuất khẩu như gạo, cà phê… Còn đối với những mặt hàng xuất khẩu thông thường và với DN vừa và nhỏ vẫn cần có sự xem xét thận trọng và LS vay USD chưa thể hạ thấp, vẫn phải áp dụng ở mức 7 - 8,5%/năm”, tổng giám đốc một NH cổ phần nói.

Cũng theo vị tổng giám đốc  trên, Thông tư 37/2012/TT-NHNN ngày 28.12.2012 quy định rõ việc cho vay ngoại tệ của các tổ chức tín dụng. Theo đó, các NH cho vay phục vụ 4 nhu cầu gồm: thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa nếu khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh để trả nợ; cho vay ngắn hạn để DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức; cho vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu (khách hàng có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay, cam kết bán lại ngoại tệ cho NH); cho vay đầu tư ra nước ngoài khi Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Với những quy định chặt chẽ này, hiện tại rất ít DN có khả năng tiếp cận vốn ngoại tệ, trong khi LS vay VND vẫn còn khá cao, nên DN xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh với hàng xuất khẩu của các quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia...

Sớm giảm để tăng xuất khẩu

 

Việc giảm lãi  suất USD là điều nên làm và cần phải làm sớm. Bởi việc hỗ trợ doanh nghiệp khi khó khăn, sớm lúc nào thì hiệu quả càng lớn hơn

TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN

Tổng giám đốc một DN ở Hà Nội thường xuyên làm ăn với thị trường Hàn Quốc đề nghị khi các DN đủ điều kiện để vay vốn, đủ nguồn ngoại tệ trong tương lai để trả nợ, NH nên xem xét giảm LS vay USD xuống còn 4 -5%/năm ngắn hạn và khoảng 6%/năm đối với trung, dài hạn. “Hiện nay LS huy động USD được NHNN áp trần 2% đối với cá nhân, 1%/năm đối với tổ chức kinh tế. Với mức giảm như đề xuất của các DN thì NH vẫn giữ được biên độ đủ để đảm bảo có lãi”, tổng giám đốc này nói.

Trong 4 tháng đầu năm 2013, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, nhiều DN đã hoạt động trở lại sau một thời gian dài dừng hoạt động. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 39,5 tỉ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 40 tỉ USD, tăng 18%. Mặc dù cán cân xuất - nhập đã có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng xét về cơ cấu vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, về xuất khẩu, khối này tăng tới 23% trong khi khu vực DN nhà nước chỉ tăng 7%; tương tự ở nhập khẩu là 25,2% so với 10%. Nền kinh tế nhìn chung vẫn chịu nhập siêu, nhưng xét trong bối cảnh tỷ giá không có biến động, thị trường ngoại hối ổn định, nguồn dự trữ ngoại hối vẫn đang tăng mạnh cũng không có điều gì đáng lo ngại. Đây là căn cứ quan trọng mà thời gian qua các DN cho rằng cơ quan quản lý cần tính tới việc điều chỉnh tăng tỷ giá, cũng như giảm LS cho vay USD để hỗ trợ cho DN xuất khẩu.

Giảm LS vay USD giúp DN xuất khẩu, nhập khẩu có cơ hội tiếp cận vốn vay ngoại tệ rẻ, theo TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, không có nghĩa sẽ tác động xấu đến cung cầu ngoại tệ. Bởi hiện tại, những quy định về cho vay ngoại tệ của NHNN rất chặt chẽ, không phải ai muốn vay là vay được, chỉ DN có nguồn ngoại tệ trong tương lai, đủ khả năng trả nợ mới được NH xem xét, cấp tín dụng. “Trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu tích cực, xuất nhập khẩu tăng trở lại, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng mạnh..., việc giảm LS USD là điều nên làm và cần phải làm sớm. Bởi việc hỗ trợ DN khi khó khăn, sớm lúc nào thì hiệu quả càng lớn hơn”, TS Cao Sỹ Kiêm đề nghị. 

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.