Khi nào thì bỏ kỳ thi đại học ?

07/05/2013 03:20 GMT+7

Dư luận quan tâm về tính khả thi đề án tuyển sinh riêng của các trường, thời gian áp dụng các đề án và phương hướng tuyển sinh ĐH, CĐ trong những năm tới. GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trao đổi với Thanh Niên xung quanh những vấn đề này.

Dư luận quan tâm về tính khả thi đề án tuyển sinh riêng của các trường, thời gian áp dụng các đề án và phương hướng tuyển sinh ĐH, CĐ trong những năm tới. GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trao đổi với Thanh Niên xung quanh những vấn đề này.

Chỉ khi nào nghiêm túc, khách quan, công bằng...

 

Trường nào đề xuất được phương án tuyển sinh khả thi, đảm bảo công bằng, khách quan, không gây phức tạp, căng thẳng, tốn kém cho xã hội và nhất là phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển thì Bộ sẽ phê duyệt để triển khai

GS-TSKH Bùi Văn Ga

Đề án cải tiến tuyển sinh của các trường sau khi công bố đã nhận được nhiều phản hồi từ dư luận. Ông có thể cho biết quan điểm của Bộ về các phương án này?

Đề án xét tuyển của các trường ĐH ngoài công lập đề xuất chỉ liên quan đến kết quả học 3 năm THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT (kể cả thí sinh thi ĐH theo "3 chung", nhưng có kết quả thi dưới điểm sàn). Trong thực tế, những thí sinh trên điểm sàn quy định, nếu có nguyện vọng học tập đều có thể trúng tuyển vào một số trường ĐH, CĐ phù hợp. Theo số liệu thống kê hiện nay, mỗi năm có khoảng 1 triệu thí sinh dự thi ĐH, CĐ. Chỉ một nửa trong số này nhập học. Còn khoảng 500.000 thí sinh không trúng tuyển hoặc đủ điều kiện trúng tuyển nhưng không muốn đi học. Trong khi đó số lượng thí sinh còn thiếu - theo chỉ tiêu của tất cả các trường - chỉ khoảng 20.000 - 30.000. Do đó, nếu có phương án điểm sàn hợp lý chúng ta có thể điền đầy chỉ tiêu nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng nguồn tuyển cho tất cả các trường.
 
Phương án sử dụng kết quả phổ thông để xét tuyển vào ĐH, CĐ trên phạm vi cả nước đã được bàn từ khi Bộ phát động cuộc vận động "2 không" năm 2006. Năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT, có sự tham gia giám sát của lực lượng cán bộ các trường ĐH, CĐ đã cho kết quả tương đối sát với thực tế. Với kết quả này, nhiều người nghĩ rằng có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, tốt nghiệp phổ thông là điều kiện cần nhưng chưa đủ tối thiểu để đảm bảo học sinh có thể học tập được ở bậc CĐ, ĐH. Vì vậy, để chọn được thí sinh phù hợp, các trường đều phải dựa vào những kỳ thi có độ tin cậy, có khả năng phân loại cao hơn. Ngay cả những nước có nền giáo dục phổ thông rất tốt như ở Pháp, việc tuyển sinh vào các trường đẳng cấp cao (grande ecole) vẫn phải qua kỳ thi. Một số nước trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… vẫn giữ kỳ thi tuyển sinh vào ĐH.

Vậy theo ông trong điều kiện nào Việt Nam có thể sử dụng kết quả phổ thông để xét tuyển thay thế cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hiện nay?

Khi nào thì bỏ kỳ thi đại học ?
GS-TSKH Bùi Văn Ga

Có 2 điều kiện để có thể sử dụng kết quả phổ thông để xét tuyển vào ĐH. Thứ nhất, chất lượng giáo dục phổ thông phải tốt và chuẩn mực; thứ hai, kết quả học 3 năm THPT và kết quả kỳ thi tốt nghiệp phải thật sự nghiêm túc và tin cậy. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông, đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập của học sinh trong suốt quá trình học tập. Chỉ khi nào chúng ta tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc theo đúng tinh thần Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ và cuộc vận động “2 không”, thì mới có thể đưa được nền giáo dục về đúng bản chất của nó; việc thi cử khi đó mới thực sự khách quan, công bằng. Lúc bấy giờ có thể yên tâm sử dụng kết quả học tập THPT và thi tốt nghiệp để xét tuyển vào CĐ, ĐH. Hiện nay, Bộ đang tăng cường nhiều giải pháp để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.

Đến năm 2015 cơ bản vẫn theo hướng “3 chung”

Có ý kiến cho rằng Bộ "vi phạm luật" vì chưa giao ngay việc tự chủ tuyển sinh cho các trường theo tinh thần của luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2013. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Những sự thay đổi lớn trong phương thức tuyển sinh cần được nghiên cứu và chuẩn bị kỹ càng. Ngay từ năm 2010, Bộ đã giao cho một số trường nghiên cứu, đề xuất phương án tuyển sinh phù hợp. Từ năm 2012, Bộ đã cho phép các trường ĐH, CĐ xét tuyển đối với thí sinh các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ dựa trên kết quả học tập ở trung học phổ thông mà không cần thi tuyển. Năm 2013, Bộ cho phép 10 trường thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật được tuyển sinh riêng... Như vậy, Bộ đã nghiên cứu, chuẩn bị kỹ các phương án để từng bước giao việc tự chủ tuyển sinh cho các trường, ngay cả khi chưa có luật Giáo dục ĐH. Hiện nay, luật Giáo dục ĐH đã được ban hành và có hiệu lực, Bộ tiếp tục đề nghị các trường đề xuất phương án tuyển sinh riêng. Luật giao cho các trường tự chủ tuyển sinh nhưng phải theo quy chế do Bộ trưởng ban hành.

Khi nào thì bỏ kỳ thi đại học ?
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng hiện nay tốt nghiệp phổ thông là điều kiện cần nhưng chưa đủ tối thiểu để đảm bảo học sinh có thể học tập được ở bậc CĐ, ĐH - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Vậy lộ trình của Bộ trong việc cải tiến tuyển sinh thời gian tới như thế nào, học sinh cần phải chuẩn bị gì cho sự thay đổi đó, thưa ông?

Tuyển sinh theo phương thức "3 chung" không phải là giải pháp tối ưu duy nhất và áp dụng lâu dài nhưng trong một vài năm tới, khó có phương án nào tốt hơn để thay thế. Từ nay đến năm 2015, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ về cơ bản vẫn tổ chức theo hướng “3 chung”, nếu có điều chỉnh chỉ thuộc về các yếu tố kỹ thuật và không gây xáo trộn quá nhiều. Tuy nhiên, trường nào đề xuất được phương án tuyển sinh khả thi, đảm bảo công bằng, khách quan, không gây phức tạp, căng thẳng, tốn kém cho xã hội và nhất là phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển thì Bộ sẽ phê duyệt để triển khai. Quan điểm chung của Bộ là lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Bộ không điều chỉnh phương án của các trường

Hiện có dư luận cho rằng Bộ đã tự điều chỉnh phương án tuyển sinh riêng của Trường ĐH Phan Châu Trinh từ 5 tiêu chí xuống thành 2 để gửi các báo đăng tải lấy ý kiến dư luận mà không thông qua trường. Ông Bùi Văn Ga khẳng định: “Hoàn toàn không có chuyện Bộ tự điều chỉnh phương án tuyển sinh riêng của các trường. Trường ĐH Phan Châu Trinh thời gian qua đã gửi lên Bộ 2 bản đề xuất phương án tuyển sinh riêng. Ở lần đề xuất đầu trường đưa ra phương án tuyển sinh riêng với 5 tiêu chí nhưng là kế hoạch cho những năm sau này. Để thực hiện theo lộ trình, trường đã gửi Bộ bản đề xuất lần thứ 2 với 2 tiêu chí để thực hiện ngay trong năm 2013. Cả hai lần đề xuất trường đều gửi lên Bộ, khi gửi cho các báo lấy ý kiến, Bộ giữ nguyên nội dung, chỉ tóm tắt phần cơ bản của các phương án này”.

Hà Ánh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.