Từ trung tâm thị xã (TX) Bỉm Sơn, muốn đến Khu phố 12, chúng tôi buộc phải chạy ngược ra TX.Tam Điệp (Ninh Bình), cách Dốc Xây - địa giới hành chính của Thanh Hóa và Ninh Bình khoảng 4 km, rồi mới có đường rẽ ngược trở lại.
Ông Lê Hoàng Mậu, Trưởng Khu phố 12 kêu khổ: “Trước kia từ trung tâm thị xã về đây cũng có con đường mòn chạy men các triền núi, nhưng do đường không đi được xe máy, nên từ lâu người dân đã bỏ, không đi nữa. Từ nhiều năm nay, chúng tôi chỉ còn cách duy nhất là “mượn” đường của tỉnh Ninh Bình để về TX.Bỉm Sơn mà thôi”.
Khu phố 12 được hình thành từ năm 1961, khi Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa ra quyết định điều động các xã viên của HTX Trung Tiến thuộc xã Nga Trường, H.Nga Sơn (Thanh Hóa) lên khai hoang làm vườn đồi và chăn nuôi gia súc.
Đường đi lối lại trong khu phố và cả con đường ra trung tâm TX.Bỉm Sơn đều do người dân tự đóng góp kinh phí thuê máy móc san bạt đồi làm nên.
Tuy nhiên do kinh phí hạn hẹp nên con đường ra trung tâm mới chỉ được khai mở thành một lối mòn đi bộ mà thôi.
Không có đường về trung tâm, nên gần 100% học sinh tiểu học và THCS của Khu phố 12 đều phải học nhờ các trường của thị xã Tam Điệp (Ninh Bình).
Học hết THCS, cháu nào muốn học lên THPT tại Ninh Bình thì phải nhờ vả, chuyển hộ khẩu của các cháu sang một gia đình người quen nào đó bên Ninh Bình, rất phức tạp.
Còn nếu không có người cho nhập khẩu thì các cháu buộc phải vào trung tâm TX.Bỉm Sơn để học.
Hằng ngày, những học sinh này đạp xe cả đi lẫn về hơn 20 km rất cực.
Bên cạnh việc đi lại khó khăn, hơn 80 hộ dân của Khu phố 12 đang phải sống trong cảnh thiếu điện triền miên.
Để có điện sinh hoạt, họ phải tự “đấu mối” mua điện từ 3 nơi khác nhau, trong đó có khoảng 20 hộ mua điện qua Công ty Hóa chất Đồng Giao (Ninh Bình); 20 hộ mua điện từ trạm điện P.Nam Sơn, TX.Tam Điệp; những hộ còn lại mua điện từ P.Ba Đình, TX.Bỉm Sơn.
Ông Trương Ngọc Linh mua điện từ Công ty hóa chất Đồng Giao than thở: “Chúng tôi phải mua điện với giá từ 3.000 đến 3.500 đồng/kwh. Tuy nhiên, bên Công ty hóa chất Đồng Giao khống chế số lượng điện cho 20 hộ dân chúng tôi tối đa 500 kwh/tháng. Nếu quá số lượng trên, họ sẽ cắt điện luôn, vì ảnh hưởng đến nguồn điện sản xuất của công ty. Thêm vào đó, do ở cuối nguồn, đường dây bé, nên điện đóm cũng rất phập phù. Rất khổ”.
Để duy trì nguồn điện sinh hoạt, các hộ dân trong khu phố phải tự động viên nhau tiết kiệm điện tối đa.
Nhiều gia đình không dám mua ti vi, tủ lạnh mà chỉ dám thắp 1 bóng điện sáng cho con em học bài vào buổi tối.
Chưa kể, do lưới điện trong khu phố được làm tạm bợ với nhiều đoạn dây nối chằng chịt, hở lõi đồng, sà xuống ven đường rất nguy hiểm.
“Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương. Họp HĐND các cấp lần nào chúng tôi cũng kiến nghị xin được đầu tư một trạm biếp áp nhỏ và san bạt, sửa chữa lại con đường mòn từ trung tâm thị xã về khu phố, nhưng chả thấy ai quan tâm giải quyết. Thành thử, dù mang tiếng là công dân của thị xã công nghiệp, nhưng cuộc sống của chúng tôi chẳng khác gì các bản vùng sâu vùng xa vậy”, ông Lê Hoàng Mậu bất lực nói.
Ngọc Minh
>> Thanh long thiếu điện
>> “Bảo bối” chống thiếu điện mùa hè
>> Khó giải bài toán thiếu điện
>> Chuẩn bị “vũ khí” cho mùa... thiếu điện
Bình luận (0)