Chợ xây hàng chục tỉ không có đường vào

10/05/2013 11:07 GMT+7

Hàng chục hộ dân khiếu nại khi bị giải tỏa lấy đất làm đường vào chợ mới, trong khi nhà đầu tư kêu trời vì chợ xây xong bỏ không nhiều tháng trời.

Hàng chục hộ dân khiếu nại khi bị giải tỏa lấy đất làm đường vào chợ mới, trong khi nhà đầu tư kêu trời vì chợ xây xong bỏ không nhiều tháng trời.

Chợ Tân Hòa (phường Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) được thi công hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2012 trên diện tích gần 1,5 ha, nguyên là đất sản xuất thu hồi từ Công ty cà phê Buôn Ma Thuột (BMT). Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ là Công ty TNHH Nhân Phú, đến từ tỉnh Lâm Đồng.

 Chợ xây hàng chục tỉ không có đường vào
Chợ mới Tân Hòa xây xong bỏ không nhiều tháng do chưa có đường vào - Ảnh: Trung Chuyên

Với đầu tư ban đầu hơn 20 tỉ đồng, ngôi chợ được xây dựng rộng rãi, khang trang nhưng vẫn nằm không gần 5 tháng qua; hơn 200 hộ tiểu thương ở chợ Tân Hòa cũ chưa thể chuyển sang kinh doanh buôn bán ở chợ mới. Nguyên nhân chính là đường vào chợ nối từ QL26 theo quy hoạch rộng 75 m chưa được thi công do nằm trên đất ở của 25 hộ dân. Việc giải tỏa các hộ này để lấy đất làm đường vẫn dẫm chân tại chỗ trong nhiều tháng. Ông Phạm Ngọc Bội, Giám đốc Công ty TNHH Nhân Phú, than thở: “Chúng tôi tăng tốc xây nhanh để đưa chợ vào hoạt động theo yêu cầu của lãnh đạo TP.BMT, nhưng việc giải phóng mặt bằng của địa phương lại quá chậm. Mỗi tháng chợ không hoạt động nhưng doanh nghiệp chúng tôi phải trả 300 triệu đồng lãi vay ngân hàng, nếu kéo dài thế này khó mà chịu đựng nổi”. Ông Bội còn cho biết, do không có đường vào, công ty Nhân Phú còn phải bỏ thêm nhiều triệu đồng để mượn đường chở vật liệu thi công qua đất một hộ dân...

Vì sao việc giải phóng mặt bằng đường vào chợ Tân Hòa gặp khó khăn? Qua tìm hiểu, nhiều hộ dân trong khu vực giải tỏa cho rằng do không được đền bù thỏa đáng nên không chịu di dời. Ông Lê Đắc Lĩnh, một hộ dân thuộc diện giải tỏa, cho rằng gia đình ông cùng nhiều hộ khác sống ổn định nơi đây từ năm 1986, đất không có tranh chấp, hàng năm các hộ vẫn nộp thuế sử dụng đất nên cần được bồi thường đất ở theo Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 3.12.2004. “Nếu chúng tôi di dời, các hộ bên cạnh không thuộc diện giải tỏa vẫn ở lại thì không công bằng. Các hộ bị giải tỏa cũng không thể có tiền mua đất tái định cư, dù ở mức giá sàn”, ông Lĩnh bày tỏ.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Mỹ, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.BMT, 25 hộ trong diện phải giải tỏa để làm đường vào chợ Tân Hòa nằm trong số 200 hộ có đất ở có nguồn gốc lấn chiếm hành lang QL26 và đất bờ lô cà phê phía trong của Công ty cà phê BMT. Toàn bộ số hộ này không có giấy tờ hợp pháp như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ năm 2003, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định giao UBND TP.BMT tổ chức cưỡng chế, giải tỏa tất cả số hộ trên nhưng chưa triển khai. Ông Mỹ cho biết TP.BMT đã có chủ trương tái định cư tại khu dân cư Tân Phong cách đó hơn 1 km cho những hộ phải giải tỏa để làm đường vào chợ Tân Hòa, nhưng mới chỉ có 1 hộ đồng ý nhận đất. Vì những lý do trên, UBND TP.BMT không công nhận khiếu nại của 15 hộ về việc bồi thường, hỗ trợ về đất, nhà và đất tái định cư; đồng thời quyết định cưỡng chế giải tỏa vào ngày 6.5. “Tuy nhiên, mới đây UBND TP.BMT quyết định hoãn thời hạn cưỡng chế, chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk để có phương án cuối cùng nhằm giải phóng mặt bằng. Như vậy, nhà đầu tư vào chợ Tân Hòa phải chờ thêm một thời gian nữa”, ông Mỹ cho hay.

Trung Chuyên

 >> Tiểu thương chợ Tân Hiệp phản đối xây chợ mới
>> Xây chợ rồi bỏ hoang
>> Tiểu thương chưa thống nhất phương án xây chợ mới
>> Xây chợ mới, tiểu thương kêu cứu!
>> Xây chợ... bỏ hoang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.