Theo ông Đặng Văn Tuần, Tổng giám đốc Công ty CP thủy điện sông Ba Hạ, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên địa bàn tỉnh Phú Yên thời tiết nắng nóng, khô hạn xảy ra trên diện rộng, lượng mưa trên lưu vực hồ chứa thủy điện sông Ba Hạ rất thấp và thấp hơn cùng kỳ nhiều năm. Thời điểm hiện tại, mực nước hồ sông Ba Hạ là 101,02 m, chỉ trên mực nước chết 0,2 m (mực nước dâng bình thường là 105 m). Lưu lượng nước về chỉ bằng 30 - 40% cùng kỳ các năm trước.
|
Trước đó, dư luận địa phương và báo chí đã phản ánh rất nhiều về tình trạng các thủy điện trên sông Ba không xả nước hoặc xả nước hạn chế khiến vùng hạ du Phú Yên hạn hán nghiêm trọng. Lý giải cho việc H.Sơn Hòa (Phú Yên) bị thiếu nước sinh hoạt, sản xuất do thủy điện Ba Hạ không phát liên tục, ông Tuần cho biết, do giữa tháng 4.2013, nhà máy này dừng một tổ máy để sửa chữa và bảo dưỡng định kỳ, dẫn tới thiếu nước. Sau cuộc họp với UBND tỉnh Phú Yên và các cơ quan liên quan, bắt đầu từ 15.5 đến 5.6, thủy điện này sẽ thực hiện điều tiết xả nước qua các tổ máy phát điện để cung cấp nước cho vụ hè thu. Tuy nhiên, lượng nước xả cũng chỉ có thể ở mức tối thiểu 40 m3/s.
Còn theo ông Nguyễn Trọng Oánh, Tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, lưu lượng bình quân nước về hồ Đa Nhim đến hết tháng 4.2013 là 9,75 m3/s, tương ứng với mực nước hồ đạt cao trình 1.025,92 m, thấp hơn mực nước dâng bình thường là 16,08 m (mực nước chết là 1.018 m). Tại hồ Hàm Thuận, lưu lượng bình quân nước về hồ Hàm Thuận Quý đến 30.4 là 12,96 m3/s. Mực nước hồ đến cuối tháng 4.2013 đạt cao trình 582,77 m, thấp hơn mực nước dâng bình thường là 22,23 m.
Theo ông Oánh, dù hồ thiếu nước, các thủy điện vẫn phải duy trì mức xả “đủ dùng” cho hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận trong mùa khô. Cụ thể, tại khu vực tỉnh Ninh Thuận, từ 16.5 đến 15.6, sẽ tăng gấp đôi lượng xả nước so với thời gian trước đây, đạt lưu lượng khoảng 17 - 18 m3/s, tại Bình Thuận, từ 15.5 đến 15.6 lượng nước xả chạy máy trung bình mỗi ngày đạt mức tối thiểu 35 m3/s (thời gian trước trung bình 25 - 30 m3/s). Ông Oánh cho biết không thể tăng xả ở mức lớn hơn do hồ Hàm Thuận - Đa Mi đang thiếu nước, nếu phát mạnh hơn có khả năng hết nước, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt người dân hạ du.
Mực nước hồ Đại Ninh, phục vụ thủy điện Đại Ninh (H.Đức Trọng, Lâm Đồng) trong 4 tháng cũng duy trì ở mức thấp, và đang tiếp tục xuống dần mực nước chết. Ông Đặng Văn Cường, Phó giám đốc thủy điện Đại Ninh cho biết, mực nước hồ hiện nay chỉ đảm bảo duy trì phát điện cũng như xả nước ở mức tối thiểu cho 2 huyện của tỉnh Bình Thuận. Từ 1.5 đến 25.5, Đại Ninh phải cấp nước về cho hạ du với lưu lượng 15 m3/s.
Đại diện các nhà máy đều cho rằng, với mực nước rất thấp hiện tại cũng chỉ có thể đảm bảo lượng nước tối thiểu cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của các tỉnh hạ du. Ngoài ra, khô hạn kéo dài cũng ảnh hưởng khá lớn đến sản xất và cung ứng điện, khi sản lượng điện của các nhà máy dự báo sẽ sụt giảm khá nhiều so với kế hoạch được giao, như Đại Ninh dự báo chỉ có thể phát được 945 triệu kWh trong năm nay so với kế hoạch được giao tới 1.032 triệu kWh.
Nguồn EVN
Bình luận (0)