(TNO) Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên Online, gừng Trung Quốc đang chiếm lĩnh tại các chợ ở TP.HCM. Trong khi đó, vẫn chưa có kết quả xét nghiệm nào về độ an toàn của gừng Trung Quốc tại các chợ Việt Nam sau thông tin gừng Trung Quốc nhiễm thuốc trừ sâu cực độc.
80 - 90% gừng ở các chợ xuất xứ từ Trung Quốc
Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cứ khoảng 3 giờ sáng, các chuyến xe tấp nập đổ nông sản về chợ. Từ đây, các loại rau củ quả sẽ được phân phối ra các chợ bán lẻ trong thành phố.
Có mặt tại chợ Hóc Môn, phóng viên Thanh Niên Online ghi nhận tại tám vựa rau củ quả thì cả tám vựa này đều lấy và phân phối gừng Trung Quốc.
Các thùng hàng về chợ còn nguyên đai, nguyên kiện với dòng chữ "Made in China", "Produce of China" và cả nhãn mác tiếng Trung.
|
“Hàng ở đây quầy nào cũng vậy, cùng một nguồn nhập mà ra cả, cô có đi khắp chợ cũng vậy thôi. Gừng Việt Nam ít lắm!”, một chủ sạp hàng rau củ quả tại chợ đầu mối Hóc Môn khẳng định.
Trong khi đó, chị N.T.M, bán hàng tại vựa hành tỏi, gừng tiêu ớt, cũng tại chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết, thường người mua lấy hàng 3 phần gừng Trung Quốc thì mới có một phần gừng Việt Nam. Gừng Trung Quốc được bỏ mối nhiều cho các quán ăn, các công ty thực phẩm, ăn uống... Số lượng lấy gừng Việt Nam rất ít, hầu như chỉ lấy bán ở chợ lẻ.
Khảo sát các chợ bán lẻ tại TP.HCM như: Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Thái Bình (Q.1),… hầu hết gừng Trung Quốc "chiếm lĩnh" trên các sạp hàng rau củ quả. Gừng Việt Nam chỉ có lác đác vài củ trong rổ hàng tại các quầy nông sản.
Một tiểu thương tại chợ Thái Bình cho biết: “Thì mối bỏ sao lấy vậy, ở chợ ai cũng thế. Giá gừng Trung Quốc cũng ngang ngang với gừng Việt Nam, có khi còn rẻ hơn mà củ to, bóng đẹp, không sâu sẹo và dễ bóc vỏ hơn. Nhiều người mua hơn!”.
Chị Đặng Thu Thảo (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, bình thường đi chợ cũng không để ý lắm, theo thói quen thấy củ gừng nào tươi, đẹp, căng mọng, tròn mập thì mua. Một phần củ lớn dễ lột vỏ, làm cho nhanh.
“Nhưng sau khi có thông tin gừng Trung Quốc nhiễm độc thì tôi… né. Không dám chọn củ to, đẹp nữa", chị Thảo nói.
“Gừng Trung Quốc ăn vào biết liền, đẹp nhưng không ngon, nhạt nhẽo lắm. Hồi đó cũng có mấy lần tui mua phải gừng Trung Quốc nhưng ăn chẳng thơm, không có vị cay nồng gì cả nên thôi. Giờ mua gừng Việt Nam cho chắc, xấu nhưng ngon”, một bà nội trợ đi chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM), chia sẻ kinh nghiệm.
Đang lấy mẫu xét nghiệm gừng Trung Quốc
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), từ đầu năm đến nay, nước ta nhập khẩu khoảng hơn 300 tấn gừng từ Trung Quốc. Hiện nay, thuế nhập khẩu gừng bằng… 0%.
Điều đáng lo ngại là theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT, do gừng thuộc nhóm nguy cơ thấp, nên mặt hàng này rất ít được kiểm tra khi nhập vào Việt Nam.
Vì vậy, trước việc truyền thông Trung Quốc "phanh phui" gừng của nước này sử dụng thuốc trừ sâu aldicarb, vượt mức cho phép 3-6 lần, và gừng Trung Quốc đang tràn lan tại các chợ Việt Nam, nhiều người tiêu dùng đang lo ngại về độ an toàn của gừng Trung Quốc.
|
Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ lấy mẫu kiểm tra gừng với tần suất lớn. Hiện Cục Bảo vệ thực vật đã yêu các đơn vị trực thuộc tại các cửa khẩu khu vực phía bắc kiểm tra lại tình hình nhập khẩu gừng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đồng thời, cơ quan này cũng yêu cầu chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh thành lấy mẫu gừng Trung Quốc trên thị trường kiểm tra độc tố.
Ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT TP.HCM, cho biết, chi cục đang tiến hành kiểm tra lấy mẫu gừng Trung Quốc tại ba chợ đầu mối là: chợ Hóc Môn, chợ Bình Điền và chợ Thủ Đức. Ông Tiến khẳng định trong tuần sau sẽ có kết quả xét nghiệm.
|
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, Giáo sư - Tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, chủ tịch Hội hóa học TP.HCM, cho biết, aldicarb là một loại thuốc trừ sâu cực độc. Aldicarb là một trong số các chất thuốc bảo vệ thực vật độc nhất được dùng hiện nay. Vì quá độc, aldicarb thường được dùng ở thể hạt, bón vào đất. “Thuốc trừ sâu aldicarb bị cấm dùng trong các loại cây trồng thực phẩm”, giáo sư Sơn khẳng định. Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), hiện aldicarb bị liệt vào danh sách hóa chất không còn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và đặt ra “rủi ro không thể chấp nhận được trong ăn uống”, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chất này nhiễm vào cơ thể có thể gây nhiều rối loại nội tiết như co thắt phế quản, chảy nước miếng, teo đồng tử, co thắt ruột, tiêu chảy, buồn nôn và tim đập chậm. Aldicarb tồn tại rất lâu trong môi trường đất, nước. Tiếp xúc với con người qua đường nước uống và lương thực, thực phẩm. Aldicard hấp thụ tốt qua đường ruột, da và khí quản. Ở Trung Quốc, hoạt chất thuốc trừ sâu này chỉ được sử dụng cho năm loại là cây bông vải, thuốc lá, hoa hồng, đậu phộng và khoai tây với điều kiện phải được sự cho phép và kiểm soát nghiêm ngặt của Bộ Nông nghiệp nước này. |
Theo các tiểu thương, có thể phân biệt gừng Trung Quốc và gừng Việt Nam qua các đặc điểm sau: gừng Trung Quốc to, thân tròn, căng mọng hơn gừng Việt Nam rất nhiều; vỏ củ gừng Trung Quốc cũng láng mịn, sạch sẽ và sáng màu hơn. Gừng Việt Nam củ nhỏ, vỏ màu vàng sậm hơn, da nhăn nheo, nhiều nhánh. Khi bẻ ra, gừng Việt Nam cũng nhiều xơ hơn. Tuy nhiên, gừng Việt Nam lại thơm hơn, cay đậm.
|
Bài, ảnh: Nguyên Mi
>> Tìm dư lượng thuốc sâu cực độc trong gừng nhập khẩu từ Trung Quốc
>> Thu giữ 10 kg vàng nghi nhập lậu từ Trung Quốc
>> Trung Quốc đe dọa nguồn thủy sản và ngư dân trên biển Đông
>> “Mù” các phòng khám Trung Quốc, có yếu tố nước ngoài
Bình luận (0)