Nông sản được bày bán ở các chợ Đà Nẵng - ảnh: D.H |
Hiện tại, những cơ sở sản xuất và chế biến nông sản tại Đà Nẵng vẫn hoạt động với quy mô nhỏ lẻ và sản lượng chưa ổn định. Khảo sát trên 20 hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông sản cho thấy chỉ gần 60% cơ sở có chứng nhận ATVSTP, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng khoảng 50% và chỉ 30% trong số đó có đăng ký nhãn hiệu, với sản phẩm chủ yếu là nấm rơm và rau sạch.
Tích cực tạo kênh giao dịch thân thiện
Tại buổi trao đổi, UBND TP đã đề nghị các siêu thị, doanh nghiệp phân phối thông tin rõ cho các cơ sở sản xuất nông sản biết yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, số lượng, chất lượng hàng hóa cần cung ứng… đặc biệt là thông tin cụ thể các cá nhân trực tiếp tiếp nhận, giao dịch và xử lý thông tin.
Theo đại diện các siêu thị, nhà hàng thì các hộ nông dân, hợp tác xã, làng nghề cần ưu tiên xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản với các kiểm định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, để trở thành đối tác của siêu thị, thì vấn đề giá thành, số lượng hàng hóa và việc thực hiện các chương trình khuyến mãi cũng cần phải được đảm bảo theo thỏa thuận. Đáp ứng những tiêu chí cơ bản trên thì các đơn vị thu mua cũng sẵn sàng cam kết tạo thị trường cho nông sản địa phương.
Về phía cơ sở sản xuất, đại diện HTX nấm An Hải Đông cũng đề nghị các đơn vị thu mua, bên cạnh việc ưu tiên cho nông sản sạch địa phương thì cũng nên có khu vực tập trung, trưng bày sản phẩm đặc sản của Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, chi nhánh siêu thị tại Đà Nẵng cũng cần chủ động hơn cơ chế tài chính, thanh toán tiền hàng, và có chính sách chia sẻ rủi ro đối với hàng hóa tồn đọng.
Đại diện công ty CP SX-TM Việt Thiên Ngân chuyên sản xuất rau sạch đề xuất ý kiến nên thành lập nhóm, hội bảo trợ thương hiệu địa phương để có điều kiện trợ giá, hỗ trợ quảng bá thương hiệu nông sản sạch. Đơn vị này cũng đề nghị thành phố có phương án hỗ trợ xây dựng nhà máy chế biến nông sản tại Đà Nẵng, góp phần xây dựng thương hiệu tại địa phương.
Hỗ trợ hiệu quả
Ngay sau khi tiếp nhận ý kiến từ các bên, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan liên quan mà cụ thể là Sở Khoa học Công nghệ phải có ngay phương án hỗ trợ các cơ sở sản xuất, HTX trong việc đăng ký nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn quy trình sản xuất theo công nghệ mới, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến nấm các loại… Đặc biệt phải có sự minh bạch về thông tin cũng như kinh phí đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng.
Tại buổi gặp gỡ, đại diện UBND TP.Đà Nẵng cũng cho biết, trước mắt, thành phố sẽ đầu tư một khu vực giao dịch tại chợ đầu mối thành phố để đáp ứng nhu cầu, cũng như thông tin thu mua, cung ứng nông sản.
Được biết, hiện hàng nông sản của TP.Đà Nẵng chỉ mới đáp ứng được khoảng 5-10% nhu cầu tiêu thụ của địa phương… Nghĩa là nếu được đầu tư, hỗ trợ sản xuất đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, số lượng cũng như mẫu mã của sản phẩm thì thị trường tiêu thụ nông sản tại Đà Nẵng sẽ rộng mở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hoạt động hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động .
An Dy
Bình luận (0)