Mỹ nâng cấp siêu bom phá boong ke

13/05/2013 03:25 GMT+7

Siêu bom phá boong ke GBU-57 của Mỹ vừa nâng cấp với mục tiêu được cho là nhằm phá hủy cơ sở hạt nhân kiên cố của Iran.

Theo Fox News, giới chức Mỹ vừa giới thiệu cho các sĩ quan cấp cao của Israel kết quả mới nhất của quá trình nâng cấp bom GBU-57, còn mang tên bom xuyên phá hạng nặng - MOP do Tập đoàn Boeing sản xuất. Các đoạn băng của Lầu Năm Góc cho thấy những cuộc thử nghiệm mới nhất tại căn cứ không quân Holloman và bãi thử White Sands, đều ở bang New Mexico, đã thành công tốt đẹp. Theo đó, GBU-57 nay còn “khủng” hơn trước với những tính năng xuyên phá và định vị vượt trội, được cho là đủ sức tấn công các cơ sở hạt nhân ngầm dưới lòng đất của Iran khi cần thiết. “Chúng tôi hy vọng sẽ không bao giờ phải dùng đến GBU-57 nhưng nếu cần thì nó sẽ là con chủ bài bảo đảm chiến thắng”, tờ The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên tuyên bố.

60 m bê tông và hơn thế nữa

GBU-57 là loại bom xuyên phá bê tông lớn nhất thế giới hiện nay với chiều dài 6 m và khối lượng khoảng 14 tấn, nặng hơn rất nhiều so với con số 2,3 tấn của GBU-28, vốn là “sát thủ boong ke” lừng danh mà nước Mỹ tự hào trong nhiều năm qua. Nó nặng hơn cả GBU-43, loại bom tấn công mặt đất được mệnh danh là bom “mẹ” với khối lượng 10,3 tấn.

 Bom GBU-57 của Mỹ
Bom GBU-57 của Mỹ - Ảnh: Thenews.kz

Được thiết kế riêng cho các oanh tạc cơ B-2 và B-52, bom GBU-57 có lõi chứa 2,5 tấn thuốc nổ và còn tích hợp khả năng dẫn đường nhờ hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GPS). Sau khi chạm đất, GBU-57 sẽ xuyên thấu các tầng bê tông cốt thép nhờ tốc độ cao kết hợp lớp vỏ cực cứng. Phía đuôi bom còn gắn hệ thống quạt đẩy giúp tăng tốc độ để xuyên phá sâu hơn. Sau khi đạt được độ sâu tối đa có thể, bom sẽ tự kích nổ phá hủy mục tiêu. Phần vỏ của đầu nổ được làm từ hợp kim thép đặc biệt và thiết kế cho phép mang khối lượng chất nổ lớn trong khi vẫn duy trì được lực xuyên phá khi va chạm, theo tạp chí Time. Tuy sức nổ “chỉ” tương đương 3-5 tấn TNT nhưng nhờ gây nổ từ bên trong nên sức công phá của GBU-57 lớn hơn rất nhiều so với tấn công từ bên ngoài.

Lâu nay, bom GBU-57 được cho là có thể xuyên tối đa 60 m bê tông cốt thép trước khi phát nổ. Giờ đây, theo một số nguồn tin thì nhờ đầu nổ đã được điều chỉnh để chống chịu tác động của những lớp đá granite và thép, bom có để đạt độ sâu xuyên phá tới 80 m, thậm chí là 100 m, tùy theo độ cứng của bê tông. Bên cạnh đó, phiên bản mới của GBU-57 được tăng cường công nghệ dẫn đường điện tử để tăng độ chính xác cũng như khả năng “né” các hệ thống phòng không. The Wall Street Journal dẫn lời giới chức cho biết cũng nhờ độ chính xác được cải thiện nên nếu mục tiêu nằm sâu hơn nữa vẫn có thể bị công phá khi nhiều quả bom được thả xuống cùng một lỗ.

Mục tiêu Fordow ?

Tới nay, Lầu Năm Góc khẳng định chương trình GBU-57 không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào nhưng giới chuyên gia cho rằng cơ sở hạt nhân Fordow của Iran là một mục tiêu tiềm tàng. Theo The Wall Street Journal, phiên bản được nâng cấp của siêu bom phản ánh một sự phân tích chặt chẽ của Mỹ về việc cần phải làm gì để phá hủy Fordow, vốn được xây dựng trong lòng núi cách thủ đô Tehran của Iran hơn 150 km về phía tây nam. BBC hồi tháng 1 dẫn báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế cho biết Fordow được thiết kế để chứa 16 dãy máy ly tâm sản xuất uranium làm giàu ở mức 20%. Lâu nay, cơ sở Fordow được xem là mục tiêu gần như không thể xuyên phá bằng bom thông thường do nằm sâu trong lòng núi và được bao bọc bằng những lớp bê tông cốt thép kiên cố cùng hệ thống phòng thủ kín kẽ. Hồi tháng 1, Fox News dẫn lời giới chức Mỹ nói họ không tin GBU-57 trước khi nâng cấp có thể công phá Fordow.

Theo các chuyên gia, GBU-57 mang lại cho Mỹ một lựa chọn phi hạt nhân hữu hiệu để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran khi cần. Tác dụng thứ hai không kém phần quan trọng chính là ngăn cản Israel tự ra tay tấn công Iran. Washington chưa cam kết sẽ cung cấp loại bom này cho bất cứ đồng minh nào, kể cả Tel Aviv. Trong khi đó, Israel lại chưa sở hữu bom phá boong ke đủ sức ảnh hưởng đến Fordow. Do vậy, nhờ GBU-57, Mỹ sẽ có một “con bài” để trấn an, thuyết phục đồng minh không đơn phương hành động.

Bom “cha” và bom “mẹ”

Bom “cha” và bom “mẹ”

Năm 2003, Mỹ giới thiệu GBU-43 với biệt danh bom “mẹ”, được xem là bom tấn công mặt đất phi hạt nhân mạnh nhất thế giới thời điểm đó. Tuy không cùng công năng, nhưng bom “mẹ” thường được mang ra so sánh với GBU-57 về khối lượng. Thật ra, chính xác hơn thì đối thủ tương ứng của bom “mẹ” là bom “cha” (ATBIP) do Nga chế tạo năm 2007. Tuy nhỏ hơn nhưng bom “cha” có sức hủy diệt mạnh hơn. Cả hai loại này đang được xem là bom phi hạt nhân khủng nhất thế giới và được dẫn đường bằng hệ thống vệ tinh định vị.

Trùng Quang

>> Siêu bom phá boong ke tái xuất
>> Mỹ giới thiệu siêu bom cải tiến 13,6 tấn
>> Không quân Mỹ nhận siêu bom
>> Lầu Năm Góc: Siêu bom không nhắm vào Iran

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.