|
Theo cử tri Trần Hiền Thuận, P.Quán Thánh, dư luận cử tri rất bức xúc và thắc mắc vì Quốc hội (QH) đã cho một số địa phương thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường. Các ý kiến được đăng tải trên báo chí về vấn đề này cũng đang có những xung đột về quan điểm. “Báo chí đăng ý kiến cơ quan Nội vụ đi khảo sát cho thấy, nơi thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường thì có hơn 70% đồng tình bỏ HĐND cấp này, nơi chưa thí điểm bỏ thì 70% cũng đồng tình bỏ, vậy nếu bỏ thì nhân dân làm chủ bằng cách nào, người đưa ra đề xuất này có mục đích gì? Bỏ thì có trái với luật tổ chức HĐND và trái với Hiến pháp hiện hành hay không?”, cử tri này đặt câu hỏi.
|
ĐB Vũ Hiền, P.Liễu Giai cũng đề nghị cho giữ nguyên HĐND cấp quận, huyện, xã phường vì cho rằng, nếu bỏ HĐND cấp này là “thu hẹp quyền giám sát của cử tri”.
Lãnh đạo chặt chẽ việc lấy phiếu tín nhiệm
Theo cử tri Lâm Thắng, P.Thành Công, đông đảo cán bộ, cử tri rất trông chờ vào kết quả đích thực của việc QH tiến hành lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do QH bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 5 tới. Cử tri này cho rằng, nếu lấy phiếu tín nhiệm vào thời điểm này mà việc lấy phiếu chuẩn bị không chu đáo, làm không chuẩn, sẽ có thể dẫn đến hiệu quả không hay. Dẫn ví dụ thực tế từ việc vận động chạy phiếu của Hiệu phó một trường ĐH trên địa bàn Hà Nội gần đây, ông Thắng kiến nghị “các cấp ủy cần lãnh đạo chặt chẽ việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng, trong QH và các cấp, không nên chủ quan, đơn giản, vội vàng và cần làm thí điểm trước như Hà Nội đã làm. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tránh tràn lan. Đồng thời, các cơ quan kiểm tra của Đảng, giám sát của QH cần tăng cường thanh, kiểm tra và hủy bỏ kết quả lấy phiếu nếu phát hiện có sự chạy chọt, vận động”.
Cử tri Phạm Hồng Cư, P.Liễu Giai thì cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm nên làm và làm trong kỳ họp thứ 5 của QH vì yếu tố thuận lợi là ĐBQH có thể căn cứ vào kết quả kiểm điểm của mỗi đồng chí trong cấp ủy theo Nghị quyết T.Ư 4 vừa qua để đánh giá tín nhiệm qua lá phiếu.
Liên quan đến kết luận của Hội nghị T.Ư 7 vừa qua và kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, ông Cư phản ánh với Tổng bí thư: Cử tri mong muốn có sự kiên quyết hơn nữa trong “xử lý các trường hợp sai phạm, mức độ nghiêm trọng ra sao, ai chịu trách nhiệm”.
Kịp thời cảnh tỉnh, răn đe
Trước kiến nghị của cử tri về việc tổ chức HĐND huyện, quận, phường, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: Việc có cần thiết tổ chức HĐND huyện, quận, phường hay không đã được đặt ra từ vài chục năm nay và cách đây 2 năm, QH đã ban hành Nghị quyết cho phép làm thí điểm ở một số tỉnh, thành, cho đến bây giờ đang tiến hành tổng kết. Vừa rồi Hội nghị T.Ư 7 cũng đã bàn việc hệ thống chính trị có nên có cấp HĐND này không, hiện vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau, một loại ý kiến cho rằng nên bỏ vì nhân dân giám sát bằng nhiều kênh nhiều cấp, bằng kênh của HĐND tỉnh, kênh của QH, của mặt trận. Chứ tổ chức nặng nề không cần thiết. Nhưng ý kiến khác nói dứt khoát phải có. Cấp nào có chính quyền là phải có giám sát. “Vì thế nên trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này còn để câu mở, tức là tổ chức HĐND sau này giao luật quy định cụ thể”, Tổng bí thư nói.
Với những băn khoăn của cử tri về lấy phiếu tín nhiệm, Tổng bí thư cho biết cùng với việc lấy phiếu ở QH, cuối năm nay các cơ quan của Đảng cũng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm để kịp thời cảnh tỉnh, răn đe.
Ông cũng đồng tình với những lo lắng mà cử tri đặt ra về tính chuẩn xác trong việc lấy phiếu tín nhiệm. “Phải thận trọng để xem những kết quả thể hiện có chính xác không, hay bị méo mó, bị bẻ đi, bị sai lệch, người tốt thì bị loại bỏ, anh lệch lạc lại được tín nhiệm, rồi chạy chọt, lôi kéo những người khác. Vậy nên tại sao gần đây báo chí hay nói trách nhiệm của ĐBQH, ĐB HĐND rất lớn, cần trong sáng, công tâm, khách quan, không bị chi phối khi anh bỏ phiếu. Điều ấy đòi hỏi sự bản lĩnh, trình độ, trong sạch, khách quan, dân chủ”, ông nói, và chia sẻ: Chúng tôi thực sự cũng lo, làm sao bảo đảm lấy phiếu chính xác, nhưng bây giờ QH quyết rồi, vừa làm vừa phải rút kinh nghiệm.
Về sửa đổi Hiến pháp 1992, Tổng bí thư nhấn mạnh việc có những ý kiến khác nhau là đương nhiên, QH sẽ báo cáo làm rõ những vấn đề tiếp thu, giải trình. Tuy nhiên, đối với những ý kiến sai trái, phản động thì chúng ta phải kiên quyết phê phán, bác bỏ. Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét đưa ra các phương án sửa đổi, có vấn đề có thể trình tới 3 phương án để ĐBQH cân nhắc, thảo luận chứ chưa phải đã chốt ngay.
"Đừng để lâm tặc, khoáng tặc ở trong trụ sở của mình" Ngày 13.5, tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13, nhiều cử tri tại H.Nam Giang (Quảng Nam) đã phản ánh bức xúc về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn với Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Theo ý kiến nhiều cử tri, hiện nguồn nước tại nhiều xã đang ô nhiễm trầm trọng do việc khai thác vàng sa khoáng diễn ra tràn lan. Người dân không thể sử dụng nguồn nước để sinh hoạt. Việc khai thác khoáng sản bừa bãi đã làm tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sông suối khô hạn. Theo báo cáo của UBND H.Nam Giang, tình trạng khai thác lâm, khoáng sản trái phép đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Đặc biệt là tại các khu vực lòng hồ thủy điện Sông Bung 4, các khu vực giải tỏa xây dựng các dự án thủy điện Sông Bung 4, Sông Bung 2 và xã Zuôih và La Dêê. Giải trình những ý kiến của cử tri, ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND H.Nam Giang cho biết, phía chính quyền địa phương đã làm hết mình trong việc quản lý khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, theo ông Mai, công tác quản lý khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn bởi các cuộc kiểm tra, truy quét đều bị lộ thông tin. Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo siết chặt việc quản lý khai thác lâm, khoáng sản. Thế nhưng, công tác quản lý của địa phương còn quá kém. “Chính quyền cơ sở đang lơ là. Nghe đâu các xã đang nới tay với các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Tỉnh yêu cầu cơ quan công an vào cuộc và xử lý mạnh tay đối với các đối tượng. Nếu không xử lý được sẽ cho điều chuyển cán bộ hoặc cho nghỉ việc…”, ông Thanh nói. Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê bình chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan. “Chính quyền ở đâu? Tôi đề nghị những xã không làm tốt thì cách chức chủ tịch xã, cảnh cáo bí thư xã. Không để tiếp diễn tình trạng rừng bị tàn phá, khoáng sản thì bị khai thác trái phép… Đừng để lâm tặc, khoáng tặc ở trong trụ sở của mình, ở ngay trong nhà mình… để phá hoại môi trường”, ông Phúc nói. Theo Phó thủ tướng, các lực lượng biên phòng, công an… phải cùng với nhân dân lập lại trật tự, giữ gìn môi trường để dân yên tâm về sự nghiêm minh của kỷ cương phép nước. Ngoài ra, trước thông tin tỷ lệ hộ nghèo tại H.Nam Giang rất cao với trên 67%, Phó thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền địa phương cần học tập các mô hình, tìm hướng phát triển để giúp dân thoát nghèo. Cán bộ cơ sở cần xuống với dân để hiểu dân đang cần gì. Ông Phúc yêu cầu cán bộ địa phương thực hiện theo tinh thần Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) phải lắng nghe dân, gần dân để giải quyết tâm tư của dân. “Cán bộ không được hách dịch, cửa quyền. Đừng họp suốt ngày mà nói những cái chưa sát với dân, không mang lại quyền lợi cho dân…”, ông Phúc nhấn mạnh. Hoàng Sơn |
Bảo Cầm
>> Tháng 6 sẽ lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh chủ chốt
>> Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm 20 cán bộ lãnh đạo
>> TP.HCM sẽ bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo từ năm nay
>> Thảo luận cách thức lấy phiếu tín nhiệm
>> Công bố nghị quyết về bỏ phiếu tín nhiệm
>> Hà Nội thí điểm bỏ phiếu tín nhiệm chức danh chủ chốt
Bình luận (0)