Đọc lại Thần thoại Hy Lạp

14/05/2013 09:03 GMT+7

Nền văn minh Hy Lạp cổ đại được xem như một trong những cái nôi của văn minh nhân loại với những công trình kiến trúc ấn tượng, các giá trị triết học, nghệ thuật và nền văn hóa hoàng kim một thời. Trong đó, có một di sản lớn, đó là kho tàng những câu chuyện thần thoại.

Đọc bộ Thần thoại Hy Lạp (Nguyễn Văn Khỏa biên soạn - NXB Văn học, 2004) hồi còn học lớp 9, nó đã thôi thúc lớp trẻ chúng tôi lòng ham mê khám phá cuộc sống. Giờ đây, bước vào tuổi thanh niên, đọc lại bộ sách này, tôi càng hiểu, vì sao những câu chuyện “thần thoại” này lại có thể tồn tại hàng nghìn năm trong lòng người, bất kể thuộc nền văn hóa nào.

 

Thần thoại Hy Lạp được hình thành trong khoảng thời gian khá dài, từ năm 2.000 - 1.100 trước Công nguyên. Mới đầu là chuyện truyền miệng; về sau được ghi lại khi có chữ viết. Thần thoại Hy Lạp tập hợp những câu chuyện kể, truyền thuyết về sự hình thành của thế giới, sự ra đời của các vị thần và sự có mặt của con người trên mặt đất. Những câu chuyện thần thoại mô tả về một thế giới mà trung tâm là ngọn núi Olympia do vị thần tối cao Dớt cai trị; sự tranh đấu của con người qua truyền thuyết về các vị anh hùng tiêu biểu như Hêraclex, Akhin… Những vị thần trong thần thoại Hy Lạp được mô tả hết sức sống động và giống với hình tượng của những con người trên trần gian, cũng có đủ vui buồn giận dữ, thương yêu thù hận… Có thể nói, cái gì thuộc về con người cũng đều thấy xuất hiện qua các vị thần linh trong truyện kể. Hết thảy, không phải là những nhân vật hoặc câu chuyện được “đóng khung” khô cứng mà như chính bản chất cuộc sống, đều “trôi chảy như dòng sông”. Đọc Thần thoại Hy Lạp, trong lòng ta thường vương vấn những niềm ước mơ, khát vọng sống tốt đẹp hơn.

Cho nên dễ hiểu, trong chặng đường dài phát triển của lịch sử nhân loại, ta thường thấy có dáng dấp những câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp. Thời cổ đại, những bức vẽ, bức tượng được tạc theo nguyên mẫu các nhân vật trong truyện. Thời phục hưng, rồi đến thế kỷ 17, 18, 19 và cả sau này, những đề tài, cốt truyện, nhân vật, điển tích của thần thoại này vẫn tiếp tục được khai thác trong sân khấu, văn chương, phim ảnh… Sự tồn tại và sức ảnh hưởng sâu rộng của thần thoại Hy Lạp chính do những giá trị nhân văn vốn có của nó. Đó là cái nền thiện thắng ác, là căn tính chân - thiện - mĩ gắn với nhân tính, lý tưởng sống… mà xã hội, chính thể nào của con người xưa nay cũng đều hướng tới.

Tính nghệ thuật đầy chất thi ca của thần thoại Hy Lạp như một yếu tố góp phần vào sự thành công của bộ truyện nổi tiếng này. Rồi tính triết lý của từng câu chuyện; thần thoại Hy Lạp phát triển đồng thời với sự phát triển của các tư tưởng triết học cổ đại nên qua bộ truyện, các tư duy lý luận, tư duy hình tượng… đã kết hợp và biến hóa vừa hài hòa, vừa chặt chẽ, tạo nên một bộ thần thoại mà cho đến hôm nay, người ta vẫn đánh giá đó là bộ danh tác huy hoàng của không riêng Hy Lạp. Xin trích dẫn một đoạn trong chương “Đêmêter truyền nghề cho Tơriptôlen”:

“Hạt lúa mì gieo xuống đất, được đất đen ấp ủ, nuôi dưỡng. Đất đen đã đem cuộc sống của mình ra để chăm nom cho cuộc sống của hạt lúa mì. Con người cũng vậy, con người sống trên mặt đất, được đất đen đem cuộc sống của mình ra nuôi dưỡng. Hơn nữa lại nuôi dưỡng con người bằng cuộc sống của hạt lúa mì. Con người cứ thế sống, sinh sôi, nảy nở, con đàn cháu đống cho tới khi con người từ giã cõi đời. Khi con người trở về với đất, sống trong lòng đất, biến thành đất. Từ đấy con người đem cuộc sống của mình ra nuôi dưỡng lại cây cỏ… Cứ như vậy, sinh sinh hóa hóa tuần hoàn. Cái chết đối với con người là sự tiếp tục cuộc sống khác, cuộc sống vẫn có ích cho đồng loại… Như vậy là cõi chết chẳng có gì đáng sợ, đáng coi là khủng khiếp, thảm họa… Tạo hóa - sáng tạo và biến hóa - biến hóa và sáng tạo - mọi thứ cho cuộc sống vĩnh hằng, bất diệt”.

Lạc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.