Từ ngày có chim về

15/05/2013 04:00 GMT+7

Mình thiệt xui, đang khi vợ chồng ông anh lục đục lại lò dò về thăm. Anh kéo mình ra giếng nói xấu chị. Chị ngoắc mình xuống bếp kể tội anh. Mình ngơ ngác “giữa hai làn đạn”.

Có tích mới dịch ra tuồng. Nghe anh chị “tố” nhau, mình ghi lại câu chuyện như vầy.

Chim chưa hót, vợ đã “hát”

Bữa nọ anh xách ở đâu về con chim họa mi. Nó nhảy loi choi, húc đầu vào lồng đến rướm máu. Anh xức nghệ lên đầu chim, nói vợ con đừng tới gần vì chim này là chim mộc (mới bẫy được) nên còn nhát lắm.

Con họa mi được anh o bế đến mức vợ phải ghen. Ra đồng thì thôi, về tới nhà, vừa thả cái cuốc là anh đến ngay với chim. Anh tỉ mẩn vệ sinh lồng, thay nước rồi ngồi hàng giờ ngắm chim một cách say sưa.

Từ ngày có chim về, trứng gà không cánh mà bay. Anh “trộm” trứng, lấy lòng đỏ trộn với gạo giã làm đồ ăn cho chim. Chị giấu chỗ nào anh cũng tìm ra. Chị ấm ức nói anh coi chim hơn mẹ con tui. “Tui bị cảm, anh lơ. Con Tím vọc đất, mặt mũi lấm lem anh chẳng ngó ngàng. Còn chim của anh rụng chút lông thì anh cuống lên. Lứa gà đẻ mấy chục trứng, để dành bồi dưỡng cho con, anh cũng lấy cho chim. Anh muốn con anh ốm để chim anh mập chắc”, chị tức tưởi. Anh quát: “Bao nhiêu trứng cứ tính hết đi. Bữa nào tui đưa tiền một thể”.

Đến đoạn anh tập chim hót mới “thảm”. Anh huýt sáo liên tục để kích chim khiến cái miệng vốn đã nhọn lại càng nhọn. Có hôm anh huýt đến hóp má nhưng họa mi vẫn “cấm khẩu”.

Thằng Lam, học lớp 10, nháy mắt với má, nói trời nắng vầy nó không hót đâu ba. Con nghe nói “họa mi hót trong mưa” thôi. Ông giáo hàng xóm nói chim này khó phân biệt “giới tính”. Tui nghi con này mái rồi. Vợ đang dọn chuồng gà buột miệng: “Có huýt nhọn mỏ nó cũng im re. Chim đó mà hót thì trời sập cái đùng”.

Anh trừng mắt nói vợ hỗn. Tính làm hung thì cô em vợ lém lỉnh ở đâu tạt vào, thò hai ngón tay vào lồng ngoáy chim nhảy loạn xạ rồi nói chim anh chưa hót mà vợ anh đã “hát”.

Đáng đời chưa? Chơi chim đau tim có ngày. Thú chơi chim thành thú… đau thương. Anh tức lắm nhưng vốn sợ… em vợ nên làm thinh.

Gà mổ chim ba

Vừa đi cuốn rạ về anh đã gỡ lồng chim đặt xuống thềm. Lại huýt sáo, lau lồng, cho chim ăn. Nghe người xót quá, anh đi tắm. Buồng tắm khuất sau bụi chuối, là tấm cót quây lại, người tắm chỉ ló phần đầu. Anh đang kỳ cọ thì con Tím lẫm chẫm chạy ra bập bẹ: “Gà mổ chim ba. Gà mổ chim ba”. Anh đỏ mặt, nói to cốt cho vợ nghe: “Nè, là mẹ mà bày con nói bậy nghe!”. Ngó bé Tím, anh nói gà đâu trong buồng tắm mà mổ, vô đi con. 

Tắm xong, vừa vào giữa sân anh muốn té ngửa vì thấy cái lồng trống không, ngã chỏng chơ. Đầu thềm, con gà cồ tía đứng nghiêng ngó ra cái điều “tui không biết gì hết”. Cuối thềm, con mèo tam thể lăn lộn giỡn với mớ lông chim. Không thấy xác chim đâu. Bé Tím bi bô, chỉ con gà. Thì ra hồi nãy nó nói “gà mổ chim ba” là chim sơn ca chứ không phải… chim nào khác. Nhìn qua, anh biết “kẻ thủ ác” đã mổ và lôi con chim ra ngoài rồi “chuyển” cho con mèo.

Trong bữa cơm tối ai cũng lặng im, trừ bé Tím. Nó nói ba ơi gà mổ bụp bụp. Thằng Lam hỏi chim kêu sao? Tím nói chim kêu ẹc ẹc. Chị và thằng Lam cười sục sục khiến anh tức sôi gan.

Mình hỏi anh muốn nuôi chim nữa không? Anh nói muốn, nhưng khổ nỗi vợ không ưa. Mình nói nuôi chim là thú chơi tao nhã. Anh phải rủ chỉ cùng chơi để chỉ thấy chim hấp dẫn như thế nào. Anh ừ rồi rỉ tai mình, nói anh sẽ gầy con khác nhưng dứt khoát không cho em vợ thọc tay vào lồng quậy chim. Nó đã quậy lại còn nói bậy. Trù ếm vậy thì voi cũng chết huống hồ chim.

Trần Cao Duyên

>> Người xây tổ ấm cho trẻ
>> Quốc Trung “trẻ hóa” âm nhạc
>> Mái ấm cho người nghèo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.