Tiềm lực hải quân Đông Nam Á - Kỳ 1

16/05/2013 10:20 GMT+7

(TNO) Các nước Đông Nam Á đối mặt với bài toán khó khăn giữa việc phát triển hải quân trước những thách thức chủ quyền tại biển Đông với tiềm lực tài chính eo hẹp...

(TNO) Các nước Đông Nam Á đối mặt với bài toán khó khăn giữa việc phát triển hải quân trước những thách thức chủ quyền tại biển Đông với tiềm lực tài chính eo hẹp...

>> Tàu ngầm Kilo VN đặt mua: Lợi hại thế nào? - Kỳ 2
>> Tàu ngầm Kilo VN đặt mua: Lợi hại thế nào? - Kỳ 1
>> Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc: Mạnh cỡ nào?
>> Trung Quốc âm thầm thử nghiệm thiết bị chống vệ tinh?
>> Mỹ phóng UAV chiến đấu từ tàu sân bay

Giữa những tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông, sự phát triển và tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á cũng đóng vai trò trong nỗ lực hiện đại hóa và mở rộng lực lượng hải quân các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, nỗ lực phát triển hải quân của các nước trong khu vực diễn ra khá chậm chạp, theo tuần san quốc phòng Jane’s Defence Weekly số ra đầu tháng 5.

Hải quân Indonesia: Ít nhất 12 tàu ngầm cho đến năm 2024

Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu xây dựng một lực lượng hữu hiệu tối thiểu (MEF) gồm 300 chiếc tàu có chủng loại khác nhau và ít nhất 12 tàu ngầm cho đến năm 2024. Với vùng biển rộng lớn khoảng 6 triệu km vuông, con số trên khá hợp lý song trong thực tế lại vượt xa so với năng lực tài chính của Indonesia. 

 
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu xây dựng một lực lượng hữu hiệu tối thiểu (MEF) gồm 300 chiếc tàu có chủng loại khác nhau và ít nhất 12 tàu ngầm cho đến năm 2024.

Với hạm đội gồm khoảng 115 chiếc tàu các loại, gồm hai tàu ngầm và thêm ba chiếc đang được đóng, Indonesia sẽ phải tiến hành một chương trình mua sắm rộng lớn nhằm đáp ứng mục tiêu nói trên. Đây là viễn cảnh khó xảy ra dựa vào chi phí dành cho chương trình, đặc biệt là chi phí cho tàu khu trục, tàu hộ tống và tàu ngầm.

Kể từ khi biên chế bốn tàu hộ tống nhỏ lớp Sigma từ năm 2007 đến 2009, và bốn tàu đổ bộ lớp Makassar từ năm 2007 đến 2011, hải quân Indonesia chỉ mới biên chế một số lượng nhỏ các tàu tuần tra và tàu tấn công nội địa nhỏ.

Điều này một phần vì sự eo hẹp ngân sách vốn ngăn cản Indonesia mua sắm các tàu chiến lớn và ưu tiên dành cho nhu cầu hiện đại hóa và nâng cấp các tàu hiện có.
 
Cả hai tàu ngầm lớp Cakra của hải quân Indonesia đã trải qua quá trình cải tiến nhằm nâng cấp hê thống vũ khí và tác chiến. Quá trình cải tiến tàu KRI Cakra được hoàn tất năm 2006 và chiếc KRI Nanggala được cải tiến vào đầu năm 2012.

Tiềm lực hải quân Đông Nam Á – Kỳ 1
 Tàu hộ tống nhỏ lớp Sigma của Indonesia - Ảnh: maritimesecurity.asia

Trong khi đó, Indonesia đã đặt hàng hãng đóng tàu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering của Hàn Quốc đóng ba chiếc tàu ngầm vào tháng 12.2011. Theo hợp đồng, chiếc cuối cùng sẽ được đóng tại Indonesia. Các tàu này sẽ đồn trú tại căn cứ hải quân Palu ở tỉnh Trung Sulawesi. Ba chiếc tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel nặng 1.400 tấn sẽ được giao vào khoảng đầu năm 2018.

Theo Jane’s Defence Weekly, không có gì đáng ngạc nhiên khi Indonesia chủ yếu chọn các tàu tự đóng trong nước, dựa vào chi phí mua tàu mới.

 

Indonesia đã đặt mục tiêu trang bị 14 chiếc tàu KCR tính đến năm 2014 và 44 chiếc tính đến năm 2024, dù hiện chỉ có ba chiếc KCR-40 đã được đóng và biên chế và ba chiếc KCR-60 đang được đóng (chiếc đầu tiên sẽ được biên chế vào tháng 12 năm nay).

Một chương trình chính của Jakarta là tàu khu trục Perusak Kawal Rudal 10514. Mặc dù được Indonesia gọi là tàu khu trục, chiếc tàu thực tế là tàu hộ tống, được đóng theo thỏa thuận hợp tác giữa hãng Damen Schelde của Hà Lan và PT Pal của Indonesia, dựa trên thiết kế tàu Sigma 10514 của Schelde.

Thỏa thuận đóng hai tàu loại này được ký kết vào tháng 6.2012 và thời hạn giao là năm 2017. Quá trình đóng tàu đang diễn ra tại Hà Lan. Tuy nhiên, thỏa thuận trị giá 220 triệu USD bao gồm việc chuyển giao công nghệ cho PT Pal, cho phép Indonesia có thể tự đóng thêm tàu mới trong tương lai. Các năng lực và loại vũ khí của chiếc tàu không được tiết lộ nhưng năng lực chống tàu ngầm, chống tàu trên mặt biển và phòng không đã được liệt kê như là đòi hỏi đối với chiếc tàu này.

Trái với phần lớn hải quân các nước trong khu vực, vốn xem loại tàu tấn công nhanh là không phù hợp với nhu cầu hải quân hiện tại bởi tầm hoạt động giới hạn và tính dễ tổn thương trước các tàu lớn và máy bay, Indonesia hết sức chú trọng vào việc xây dựng các phiên bản nội địa của loại tàu này.

Chương trình tàu tấn công nhanh của Indonesia bao gồm ba thiết kế: tàu KCR-40 dài 40 mét đóng bởi hãng PT Palindo, tàu KCR-60 đóng bởi hãng PT Pal, tàu Trimaran KCR dài 63 mét đóng bởi hãng PT Lundin.

Thiết kế của cả hai loại tàu KCR-40 và tàu KCR-60 đều sẽ mang theo tên lửa C-705 của Trung Quốc. Indonesia hiện thương thảo với Trung Quốc về việc chuyển giao quyền sản xuất loại tên lửa này.

Tiềm lực hải quân Đông Nam Á – Kỳ 1
 Tàu tấn công nhanh KCR-40 của Indonesia - Ảnh: asian-defence.com

Theo hãng đóng tàu PT Lundin, tàu Trimaran KCR có thể được trang bị mọi hệ thống tên lửa hải đối hải, dù nhiều khả năng Indonesia sẽ trang bị tên lửa C-705.

Indonesia đã đặt mục tiêu trang bị 14 chiếc tàu KCR tính đến năm 2014 và 44 chiếc tính đến năm 2024, dù hiện chỉ có ba chiếc KCR-40 đã được đóng và biên chế và ba chiếc KCR-60 đang được đóng (chiếc đầu tiên sẽ được biên chế vào tháng 12 năm nay).

Các chiếc KCR-40 đang hoạt động hiện chưa được trang bị tên lửa C-705 và việc này có thể chưa được tiến hành cho đến năm 2017.

Vào ngày 27.9.2012, chương trình đóng tàu Trimaran KCR gặp tổn thất lớn khi mất chiếc KRI Klewang, chiếc đầu tiên trong đơn hàng gồm bốn chiếc, vì một vụ hỏa hoạn. Chiếc tàu vốn đang được bảo dưỡng và chuẩn bị thực hiện các chuyến chạy thử vào tháng 10 trước khi chuyển giao cho hải quân.

Bất chấp tổn thất này, hải quân Indonesia vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình và sẽ tiếp tục đóng bốn chiếc, kể cả chiếc thay thế cho chiếc Klewang.

Trong khi đó, hải quân Indonesia cũng lên kế hoạch tái tổ chức cấu trúc hoạt động trước năm 2014. Như một phần quá trình cải tổ, Indonesia sẽ phân chia lại khu vực phụ trách của hai hạm đội miền Tây và miền Đông hiện hữu, dưới hình thức thành lập thêm một hạm đội miền Trung. Đại bản doanh của hạm đội mới sẽ đặt tại đại bản doanh của hạm đội miền Đông ở thành phố Surabaya, trong khi hạm đội miền Đông sẽ di chuyển đến thành phố duyên hải Sorong ở tỉnh Tây Papua. Hạm đội miền Tây vẫn đóng tại vị trí cũ ở Jakarta. Một Bộ tư lệnh phòng thủ biển giám sát cả ba hạm đội sẽ được thiết lập ở Surabaya. (Còn tiếp)

Sơn Duân

>> Tàu ngầm Kilo VN đặt mua: Lợi hại thế nào? - Kỳ 2
>> Tàu ngầm Kilo VN đặt mua: Lợi hại thế nào? - Kỳ 1
>> Mỹ tăng cường khí tài cho Đông Nam Á
>> Sôi động hợp tác quốc phòng Đông Nam Á
>> Sức mạnh quân sự Mỹ tại Đông Nam Á

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.