Bức xúc vì "hệ số K" quá cao

16/05/2013 19:19 GMT+7

(TNO) Ngày 16.5, những vấn đề liên quan đến tiền sử dụng đất vượt hạn mức (hệ số K) đã làm “nóng” cuộc họp giữa Đoàn ĐBQH TP.HCM và UBND TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội của TP.

(TNO) Ngày 16.5, những vấn đề liên quan đến tiền sử dụng đất vượt hạn mức (hệ số K) đã làm “nóng” cuộc họp giữa Đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH) TP.HCM và UBND TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội của TP.

Không kham nổi, dân nợ hàng ngàn tỉ đồng

Sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 93 hướng dẫn thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường, UBND TP.HCM “có một sự sáng tạo” khi áp dụng hệ số K (bằng 2 so với bảng giá đất) đối với phần đất công nhận vượt hạn mức; và tính hệ số K thấp nhất là 3,5, cao nhất là 4,5 đối với phần chuyển mục đích vượt hạn mức (đã thực hiện từ tháng 8.2011 đến nay).

 Bức xúc vì hệ số K 1
Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Đào Thị Hương Lan phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Đình Phú

Người dân không kham nổi với “cách tính cao quá” này và trên thực tế đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.

Qua thống kê sơ bộ từ các quận huyện, tính đến ngày 15.5, tình trạng người dân ghi nợ tiền sử dụng đất rất lớn, có tới 3.367 hồ sơ với số tiền nợ 1.268 tỉ đồng; 2.361 hồ sơ mặc dù đã xác định tiền sử dụng đất với số tiền 892 tỉ đồng nhưng người dân vẫn chưa quyết định là sẽ nộp hay là sẽ ghi nợ…

 
“Nhà người ta đã ở 3 - 4 đời rồi, bây giờ từ nhà lá lụp xụp cất lên, đi làm giấy tờ thì coi như phải mua lại của nhà nước theo giá thị trường. Tôi chưa thấy có cái gì bất hợp lý như vậy”.
TS Trần Du Lịch

Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM, khẳng định: “Đi đâu họp cũng nghe cử tri bày tỏ bức xúc về hệ số K”, đồng thời đề nghị UBND TP giải thích rõ và đưa ra hướng giải quyết hợp lý cho người dân.

Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Đào Thị Hương Lan thừa nhận hệ số K “làm trầm trọng thêm tình hình”, “dân kêu quá”, “khuyến khích ông làm sai chứ không phải khuyến khích ông làm đúng” (vì trong thực tế có trường hợp chiếm dụng nhà ở không có giấy tờ nhưng sau đó được công nhận thì đóng tiền thấp hơn trường hợp làm đúng theo quy định pháp luật, là trước khi xây nhà thì chuyển mục đích sử dụng đất rồi mới xin giấy phép xây nhà).

Theo bà Lan, trước đây khi tính theo bảng giá đất do UBND TP ban hành thì người dân cũng đã ghi nợ rồi vì không có tiền. Đến thời điểm này tính theo giá thị trường thì còn đọng lại đa số là những hộ nghèo.

Có nhiều trường hợp đã hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhận thấy số tiền sử dụng đất quá cao đã đề nghị hủy thủ tục không cấp nữa, xin trả lại giấy chủ quyền.

Bức xúc vì hệ số K 2
Người dân làm giấy chủ quyền nhà đất phải đối mặt với hệ số K cao - Ảnh: Đình Phú

“Tôi chưa thấy có cái gì bất hợp lý như vậy”

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM nói: “Đây là vấn đề lớn liên quan đến việc sửa đổi luật Đất đai sắp tới nhưng tôi nghĩ cái đạo lý gì mà kỳ quá. Nhà người ta đã ở 3-4 đời rồi, bây giờ từ nhà lá lụp xụp cất lên, đi làm giấy tờ thì coi như phải mua lại của nhà nước theo giá thị trường. Tôi chưa thấy có cái gì bất hợp lý như vậy. Dân không bức xúc mới lạ. Nếu nhà nước có đầu tư hạ tầng, nâng giá trị lên thì yêu cầu người dân đóng theo mức đầu tư đó thôi, nếu vậy thì còn có thể chấp nhận được. Còn nhà nước không làm gì mà bắt người dân mua lại theo giá thị trường, tức là tước đoạt người ta, tước đoạt cái người ta đang có”.

 
Hơn 64% doanh nghiệp khai lỗ

Tại cuộc họp, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết đang quản lý thuế khoảng 130.000 doanh nghiệp. Về thuế giá trị gia tăng, tờ khai của doanh nghiệp có số dương khoảng 39%, có thuế để nộp khoảng 25%; về thuế thu nhập doanh nghiệp thì số tờ khai lợi nhuận dương khoảng 36%. “Số doanh nghiệp khai lỗ chiếm bình quân hơn 64%, chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh”, vị này nói.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài chính Đào Thị Hương Lan cho biết 4 tháng đầu năm 2013, TP.HCM thu ngân sách không đạt chỉ tiêu và không biết diễn biến những tháng cuối năm sẽ như thế nào.

“Nhà người ta đang ở, đất người ta đang ở. Nhà nước không có gì để mà giao hết và đâu có sẵn để cấp đâu. Người ta cũng xây dựng nhà hợp pháp, nhà nước cũng không làm gì đầu tư hạ tầng mà lại đưa hệ số K lên 3,5 - 4,5. Đấy là một sự bất hợp lý và tôi nói thẳng như vậy”, ông Lịch bức xúc và cho biết sẽ nói trước Quốc hội vấn đề này.

Trước ý kiến này, bà Lan cho biết, hầu hết các quận huyện đều đã kiến nghị giảm hệ số K, bỏ khống chế hạn mức và áp dụng chung hệ số K cho cả công nhận quyền sử dụng và chuyển mục đích sử dụng đất.

Cụ thể, các quận: 2, 4, 5, 9, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Thủ Đức và H.Nhà Bè, H.Cần Giờ đề nghị hệ số K từ 1,2 - 2 lần.

Các quận: 3, 6, 7, 8, Bình Tân và H.Hóc Môn, H.Củ Chi đề nghị hệ số K chỉ từ 1,1 hoặc 1,2 - 1,5 lần…

Bà Lan cho rằng điều này cũng phù hợp với Thông tư 93 của Bộ Tài chính vì chỉ quy định chung là thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình cá nhân vượt định mức, chứ không quy định cụ thể đối với phần công nhận hay phần chuyển mục đích.

“Ở Cần Giờ có trường hợp thu tiền sử dụng đất chỉ có 4 triệu đồng thôi nhưng cũng phải ghi nợ vì người ta không có tiền để nộp”, bà Lan nói, và cho biết thêm: “Qua phản ánh của các quận huyện thì nên điều chỉnh hệ số K vì cao quá. Sở sẽ kiến nghị Thường trực Thành ủy và UBND TP, mong sẽ có tháo gỡ để giải quyết cho người dân”.

Ngoài ra, theo quy định của Thông tư 93, đối với hộ gia đình cá nhân có nhiều thửa đất được công nhận hoặc chuyển mục đích từ không phải đất ở sang đất ở, thì chỉ được tính 1 thửa đất trong hạn mức, từ thửa 2 trở đi thì phải xác định theo diện tích vượt hạn mức; mặc dù nhiều thửa đất đó cộng lại chưa vượt 1 lần hạn mức đất ở theo quy định của TP “cũng là một bức xúc đối với người dân rất nhiều”. Ông Huỳnh Thành Lập cho biết sẽ kiến nghị T.Ư giải quyết bất cập này trong kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Đình Phú

>> Né giấy chủ quyền vì hệ số K
>> Kiến nghị áp dụng hệ số k để tính tiền sử dụng đất
>> Năng lực cạnh tranh của TP.HCM đang giảm
>> Tháo gỡ vướng mắc về tiền sử dụng đất 
>> Tính tiền sử dụng đất ngoài hạn mức sát giá thị trường: Đẩy cái khó cho dân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.