Ca đặt stent đầu tiên
Ngay sau lễ khai trương, với sự hỗ trợ của PGS-TS Võ Thành Nhân, Chủ tịch hội Tim mạch can thiệp TP.HCM, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), ê kíp bác sĩ (BS) của Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ đã tiến hành can thiệp Tim mạch cho 6 bệnh nhân bị hẹp động mạch vành do xơ vữa gây thiếu máu cơ tim. Có 2 trong 6 bệnh nhân được chỉ định đặt stent nong mạch vành. Bệnh nhân đầu tiên được đặt stent là ông Đ.V.Th (H.Châu Thành A, Hậu Giang). Ca can thiệp tim mạch đầu tiên được truyền hình trực tiếp từ phòng mổ đến hội trường Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ để các đại biểu cùng theo dõi.
Các thao tác đâm kim vào động mạch quay cổ tay, luồn ống thông lên động mạch cánh tay rồi vào cung động mạch chủ trước khi vào động mạch vành, chụp động mạch xác định vị trí bị hẹp, đặt bóng nong động mạch và đưa stent vào động mạch… đều được các BS trong ê kíp can thiệp giải thích cho người xem. Sau khoảng 30 phút, stent đã được đặt ngay vị trí động mạch bị hẹp, giúp máu lưu thông tốt hơn hẳn so với trước đó. Cả hội trường vỡ òa trong tiếng vỗ tay của hàng trăm đại biểu có mặt khi ca đặt stent đầu tiên thành công tốt đẹp.
TS-BS Đặng Quang Tâm, Giám đốc Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ, phấn khởi: “Ý nghĩa lớn nhất của việc triển khai Đơn vị Tim mạch can thiệp ở Cần Thơ sẽ giúp người bệnh cấp cứu kịp thời hơn. Với những ca nhồi máu cơ tim cấp, trong thời gian 12 giờ đầu (từ khi bị khởi phát triệu chứng) được xem là giờ vàng. Nếu đưa đi cấp cứu kịp trong khoảng thời gian này, khả năng thông mạch, cứu cơ tim bị hoại tử sẽ cao hơn. Ngược lại, bệnh nhân đến trễ thì cơ tim hoại tử nhiều hơn, có thể dẫn tới suy tim sau này”. Ngoài ra, khi triển khai Đơn vị Tim mạch can thiệp, các bệnh nhân bị thiếu máu cục bộ cơ tim, đau thắt ngực cũng sẽ được chỉ định chụp và can thiệp mạch vành, trước khi bệnh diễn tiến thành nhồi máu cơ tim.
Nhiều cơ hội cho người bệnh tim
|
Phát biểu tại lễ khai trương, BS.CKII Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ (nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ), nói: “Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ đưa vào hoạt động Đơn vị Tim mạch can thiệp là sự kiện rất đáng mừng của TP.Cần Thơ. Đây cũng là điều ngành y tế Cần Thơ mong mỏi mười mấy năm nay”. Còn PGS-TS Trần Chí Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng: “Có Đơn vị Tim mạch can thiệp trên, Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ sẽ có điều kiện mở rộng thêm các kỹ thuật mới cũng như trang bị thêm các máy móc thiết bị hiện đại. Nhờ đó, đội ngũ nhân lực ở bệnh viện cũng có cơ hội được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn”.
Về phía Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ, TS-BS Đặng Quang Tâm chia sẻ: “Triển khai được Đơn vị tim mạch can thiệp là bước tiến mới trong điều trị tại Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ. Có được bước tiến này, trước hết bệnh viện đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, đầu tư của Bộ Y tế, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Chợ Rẫy mà trực tiếp là PGS-TS Võ Thành Nhân”.
Theo kế hoạch, sau khi Đơn vị Tim mạch can thiệp hoạt động ổn định, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tiếp tục hỗ trợ Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ triển khai một kỹ thuật cao khác là phẫu thuật tim. Đây cũng được xem là một kỹ thuật hết sức cần thiết bởi số lượng bệnh nhân có chỉ định mổ tim ở ĐBSCL hiện khá cao. Theo Khoa Tim mạch Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ, qua khám, sàng lọc, mỗi tháng bệnh viện lại ghi nhận trên 30 ca được chỉ định phải mổ, can thiệp.
Các đại biểu cùng lãnh đạo Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ cắt băng khánh thành Đơn vị Tim mạch can thiệp
Các đại biểu theo dõi trực tiếp qua truyền hình ca đặt stent đầu tiên |
Tú Uyên
Bình luận (0)