Thông tin tại hội thảo cho biết, thu nhập của các hộ trồng lúa rất thấp - mức thu nhập bình quân tại vùng ĐBSCL chỉ đạt 535.000 đồng/người/tháng. Đa số nông dân sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, không thể sống dựa vào cây lúa mà phải dựa vào các nguồn thu nhập từ chăn nuôi, thủy sản hay từ các hoạt động phi nông nghiệp khác. Như vậy có thể thấy mức thu nhập của người nông dân từ việc trồng lúa còn thấp hơn con số 535.000 đồng/người/tháng. Nghĩa là tính ra mỗi ngày, mỗi người chỉ có thu nhập 17.800 đồng (tương đương 0,81 USD), tức chỉ đáng giá nửa tô phở của người dân thành thị. Tính theo chuẩn nghèo mới của VN thì hàng chục triệu nông dân đang sống trong cảnh cận nghèo (520.000 đồng/người/tháng)
Nông nghiệp mà đặc biệt là cây lúa luôn được xem là thế mạnh của nền kinh tế VN, mỗi năm xuất khẩu vài tỉ USD, nhưng tại sao nông dân có vẻ ngày càng nghèo hơn? Cũng theo thông tin tại hội thảo trên, nếu so sánh giá lúa bán tại hộ nông dân với giá gạo xuất khẩu năm 2008 thì câu trả lời là rất rõ ràng. Thời điểm đó, giá gạo xuất khẩu tăng từ mức 430 lên mức 900 USD/tấn, nhưng giá mà nông dân bán chỉ tăng chưa được 100 USD/tấn. Còn trên thực tế từ sau năm 2008, giá gạo xuất khẩu liên tục giảm thì giá lúa gạo trong nước giảm rất mạnh, thậm chí bán không ai mua bất kể là lúa gạo thường hay chất lượng cao. Tiền từ hoạt động xuất khẩu gạo không rơi vào túi của những người trực tiếp làm ra nó mà rơi vào túi của những doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo. Họ lấy tiền đó đầu tư vào các lĩnh vực khác và chỉ có 5 - 7% số doanh nghiệp trong lĩnh vực này chịu bỏ tiền ra đầu tư lại cho nông dân.
Lúa gạo VN bán không được giá, đời sống nông dân vẫn nghèo đã là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” sau rất nhiều năm. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn VN chỉ có thể phát triển khi mà sáng sáng người nông dân dám bỏ tiền ra ăn một tô phở. Ngày đó chắc sẽ còn khá xa, nhưng nếu ngay từ bây giờ nhà nước không có chính sách kịp thời để vực dậy khu vực này thì nửa tô phở hiện nay chắc cũng sẽ còn teo tóp lại.
Chí Nhân
Bình luận (0)