Xóm nhặt rác

17/05/2013 10:20 GMT+7

Có khoảng 12 hộ gia đình với hàng chục con người ở nhiều lứa tuổi quanh năm bám chặt ở các bãi rác để kiếm kế sinh nhai.

Xóm nhặt rác

Hình ảnh thường thấy ở xóm nhặt rác thuộc tổ 11, khu vực 4, P.An Cựu, TP.Huế - Ảnh: Nguyễn Tiến Hùng

Cả nhà nhặt rác

Khi tôi tìm về xóm nhặt rác thuộc tổ 11 (khu vực 4, P.An Cựu, TP.Huế) vào đầu giờ chiều, thì cũng là lúc cả xóm đang chuẩn bị cho ngày làm việc mới của mình. Tập làm quen khá lâu tôi mới chịu nổi cái mùi nằng nặng khi có những cơn gió lùa qua cái xóm nghèo này. Hỏi một người đàn ông ở đầu xóm đang nằm ngửa trên chiếc xe thồ đợi khách, thì ông nói chỉ có người lạ mới lấy làm khó chịu bởi cái mùi khó chịu, còn những người sống lâu như ông cũng đã thấy quen rồi. “Ở cái xóm nghèo ni rác là cơm là áo đó chú!” ông bộc bạch.

Theo chỉ dẫn của người chạy xe thồ, tôi tìm đến nhà bà Võ Thị Hạnh. Bà Hạnh năm nay 63 tuổi, nhưng đã có hơn 50 năm làm nghề nhặt rác; cả nhà bà có 6 người thì cả 6 đều làm nghề nhặt rác. Đó là chưa kể những đứa cháu của bà, ban ngày đi học, ban đêm cũng theo chân ba mẹ, ông bà đến các bãi rác trong thành phố cào, móc, xới tung đống rác để kiếm phế liệu, phế phẩm bán kiếm tiền.

Trò chuyện, bà Hạnh thở dài một tiếng thật não: “12 tuổi tui đã đi nhặt rác kiếm sống rồi. Đến khi lấy chồng không có nghề nghiệp chi nên đành bám cái nghề cơ cực ni tới bây chừ”. Bà nói do cái nghề vừa cơ cực, vừa đối mặt với bệnh tật nên nhiều lần định giải nghệ, nhưng con đông, nghỉ nhặt rác một ngày là cả nhà có nguy cơ thiếu gạo. Con cái đang tuổi ăn tuổi lớn thì chồng bà phát bệnh, bao nhiêu tiền dành dụm từ nhặt rác cũng đội nón ra đi. Cả nhà lại dắt díu nhau tìm đến các bãi rác mưu sinh. Ngay cả bây giờ, sáu người con bà đã lấy vợ lấy chồng, nhưng cũng chưa thể rời bỏ nghề nhặt rác. “Nhiều khi nhặt trúng cái lon sữa người ta mới uống có một chút, khi moi ra khỏi đống rác lon sữa còn đông đặc. Cái số họ răng sướng rứa chú hè?” bà ngậm ngùi.

Những gam màu tối

Xóm nhặt rác hiện có khoảng 12 hộ gia đình với 40 lao động chuyên đi nhặt rác. Cứ từ 15 giờ đến 23 giờ hằng ngày, họ chia nhau đi khắp các bãi rác lớn, nhỏ trong thành phố. Dụng cụ hành nghề của mỗi người chỉ là một chiếc dùi bằng sắt, đào bới lượm lặt tất cả những gì có thể bán được từ các bãi rác như nhựa, túi bóng, giấy, vỏ lon... Sau khi thu lượm, những thứ phế phẩm, phế liệu được đưa về nhà để phân loại chờ đại lý đến thu mua. Do thời gian chờ “xuất xưởng”, nên rác mới lẫn rác cũ tồn đọng khiến ruồi nhặng dày đặc.

Xóm nhặt rác tồn tại như những gam màu xám chốn đô thị. Do đặc thù của công việc kiếm sống về đêm, nên ban ngày xóm nhặt rác rất rảnh rỗi. Hầu hết các gia đình trong xóm nhặt rác đều kinh tế khó khăn, thu nhập bấp bênh. Đã thế, hầu như nhà nào cũng sinh nhiều con vì vậy mà khó khăn lại chồng chất, ước mơ thoát nghèo vẫn cứ xa vời. Những đứa trẻ lần lượt ra đời, khi lớn lên thì đêm đêm theo chân bố mẹ đến những bãi rác tìm cái ăn cái mặc.

“Chồng tui ban ngày đi phụ thợ nề, ban đêm khi 3 đứa con nhỏ đã ngủ thì hai vợ chồng cùng nhau đi nhặt rác. Mỗi ngày hai vợ chồng kiếm cũng được gần 200 ngàn đồng để trang trải cuộc sống. Cái nghề ni luôn rình rập bệnh tật, nhưng khổ nổi, cái nghề hắn chọn mình chứ mình có được chọn nghề mô? ” - Chị Lê Thị Thu Lam, một phụ nữ cũng đang theo nghề này ở xóm nhặt rác, buồn bã nói.

Nguyễn Tiến Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.