Anh chuyên nghiên cứu văn hóa Việt Nam, dạy ở Đại học Paris- Diderot và từng làm việc hơn 30 năm ở Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS, Pháp). Cộng tác với nhiều tờ báo trong nước như Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Sài Gòn Tiếp Thị, Xưa & Nay, Thanh Niên, Tuổi Trẻ... anh ký tên Nguyễn Tùng; làm thơ thì lấy bút hiệu Đan Tâm.
Dấu chân không và nhật ký trong tình có 93 bài thơ, trong đó có 9 bài Nguyễn Tùng dịch thơ của Lorca, Mayakovsky, Aragon và Neruda. Với Dấu chân không, Đan Tâm tự bạch: “Chúng là dấu vết mờ nhạt của một quãng đời đầy tiếng ồn và cuồng nộ”. Đời như vậy nhưng vào thơ thì nghe nhiều những ám ảnh nội tâm.
Như bài Mùa đông viết năm 1963 ở Paris, chỉ có 4 câu: con chim con/khát khao/ánh sáng mặt trời mùa xuân/đã chết/mùa đông dài vô cùng. Hay bài thơ Dấu vết anh viết trong mùa thu Paris 1966: con chuồn chuồn thơ ấu/bay mất/trong cơn mơ đêm qua/để lại giọt nước mắt/đọng khô trên má. Còn trong bài Ngày trở lại viết năm 1967, có hai đoạn mở và kết ám ảnh tình cảnh quê nhà: ngày trở lại có nắng lên trên mạ/có mây bay về đắm giữa xanh trời/anh sẽ đặt những bước chân rụng lá/vì thưa em vạn vật sắp lên lời/... ngày trở lại giữa quê hương đổ nát/(những rào tre rụi cháy gió thôi bay)/nghe hy vọng reo vang trong tiếng hát/thưa bà con, tôi xin góp đôi tay.
Còn Nhật ký trong tình được viết vào cuối năm 1982 và theo như lời tác giả, đó là “chứng tích” sau lần anh và một người bạn thân “lạc vào chốn thiên thai ngay giữa Sài Gòn và gặp một nàng tiên tóc ngắn mà, sau đó, tôi chưa từng cầm tay!”. Thảo nào, họa sĩ Phạm Quốc Tuấn ở Paris đã vẽ được bức tranh màu tím “nàng tiên tóc ngắn” mà giờ đây người trình bày sách ở nhà đã lấy đưa lên bìa tập thơ này. Đọc những dòng “nhật ký” của thời mà tác giả vào tuổi bốn mươi, như trong bài Cảm ơn, có những câu buồn thương như thế này: Cảm ơn em đã làm lòng anh trẻ lại/ở tuổi bốn mươi/khi đã bước vào buổi chiều của cuộc đời/cảm ơn em/đã khiến anh lại có được những tình cảm vụn vặt và nông nỗi.
Giờ thì anh Nguyễn Tùng đã bước qua tuổi bảy mươi, đang nghỉ hưu ở Pháp, năm nào cũng về thăm quê nhà. Cuối năm ngoái anh đưa cả gia đình về Cần Thơ, đi chơi chợ nổi Cái Răng và thăm ngôi nhà cổ ở Bình Thủy, nơi được chọn đóng phim Người tình, tác phẩm nổi tiếng của Pháp.
Huỳnh Kim
Bình luận (0)