Theo Thông tư 12/2013 của Bộ Công an, từ 15.4, người dân được tạo điều kiện thuận lợi trong việc đăng ký sang tên đổi chủ phương tiện qua nhiều đời chủ bằng cách đến công an sở tại làm thủ tục. Tuy nhiên, từ ngày 27.4 đến nay, Công an Hà Nội đã thực hiện theo quy trình ngược: đưa hàng ngàn cảnh sát, công an xã đến tận nhà để giúp người dân thực hiện thủ tục này.
|
Thường trú, tạm trú đều được giúp
Tại P.Thành Công, Q.Ba Đình, từ nhiều ngày nay, cứ sau giờ ăn tối là 13 cảnh sát khu vực (CSKV) lại tập trung về trụ sở để chuẩn bị... gõ cửa nhà dân. Trước đó, Ban Giám đốc Công an TP.Hà Nội có văn bản chỉ đạo về tăng cường thực hiện Thông tư 12, yêu cầu trưởng công an phường, xã, thị trấn giao nhiệm vụ cho lực lượng CSKV, công an phụ trách xã trực tiếp đến từng nhà những người dân có phương tiện giao thông nhưng chưa hoàn tất thủ tục sang tên đổi chủ theo quy định của pháp luật để hướng dẫn bà con kê khai, đăng ký... nhằm nhanh chóng hoàn tất thủ tục này. Trước khi triển khai, hoạt động này được truyên truyền rộng rãi qua loa phát thanh, thông báo đến từng tổ dân phố.
Trung tá Bùi Thanh Thái, Trưởng công an P.Thành Công, cho biết đa số người dân đều đi làm cả ngày nên chỉ buổi tối CSKV cùng tổ trưởng tổ dân phố mới gặp được để lập danh sách các trường hợp cần giúp đỡ. Ngay khi việc kê khai được hoàn thành, CSKV sẽ thu biểu mẫu về phường xác minh, xác nhận và trong vòng 1 đến 3 ngày sẽ trả kết quả cho người dân để họ đi làm thủ tục đăng ký xe theo tên chủ sở hữu mới.
“Rất nhiều người dân ngại đi sang tên đổi chủ xe là do thủ tục hành chính rườm rà, đi lại mất thời gian, trong khi giá trị xe cũng chỉ vài ba triệu đồng. Việc cảnh sát đến tận nhà giúp thực hiện thủ tục được coi là bước cải cách hành chính rất được người dân hoan nghênh. Tại phường chúng tôi, có trường hợp người dân đã đi làm giấy xác nhận thì CSKV mang đến tận nhà trả, không để họ phải đi lại nhiều”, trung tá Thái nói. Theo chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP.Hà Nội, không chỉ với người dân thường trú mà những trường hợp tạm trú nếu có yêu cầu cũng được cảnh sát giúp đỡ nhiệt tình.
Trung tá Đỗ Hồng Minh, Trưởng công an P.Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân, cho biết đối với những người tạm trú, CSKV sau khi hướng dẫn kê khai vào giấy đăng ký sẽ mang về báo cáo chỉ huy. Sau đó, CSKV trực tiếp mang giấy khai này đến nơi người dân đăng ký hộ khẩu để làm xác nhận rồi chuyển trả lại người dân. “Đối với các trường hợp ở 10 quận, huyện giáp ranh, tức là họ đăng ký thường trú tại các quận Hà Đông, Đống Đa, Cầu Giấy... thì CSKV sẽ trực tiếp đi làm giúp, còn những nơi xa quá thì sẽ gửi theo đường công văn của công an thành phố. Dù địa bàn có đông người theo diện tạm trú, CSKV phải làm thêm nhiều việc, đi lại nhiều nơi nhưng anh em chúng tôi đều cố gắng”, trung tá Minh chia sẻ.
|
Gom “nhiều cửa” thành “một cửa”
Trong khi đó, Chi cục Thuế Q.Hai Bà Trưng, sáng thứ bảy hôm qua (18.5) hàng trăm người dân thuộc P.Ngô Thì Nhậm đã tranh thủ có mặt làm thủ tục sang tên đổi chủ xe. Theo quy định, đối với trường hợp phương tiện qua nhiều đời chủ thì người dân sau khi được công an phường xác nhận vào giấy khai đăng ký sang tên phải đến cơ quan thuế để tính phí trước bạ, rồi sang kho bạc nộp tiền, xong xuôi mới mang hồ sơ đến Đội CSGT để cà số xe làm đăng ký mới.
Theo đại úy Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng công an P.Ngô Thì Nhậm, bên cạnh việc phải đi lại nhiều lần là rào cản khiến người dân ngại đi làm thủ tục sang tên đổi chủ, đa số người dân đều bận làm việc vào giờ hành chính, đến ngày nghỉ họ tranh thủ đi làm thủ tục thì các cơ quan hành chính lại không tiếp nhận nên rất khó giải quyết rốt ráo. “Trên tinh thần chỉ đạo của Giám đốc Công an thành phố là làm sao tạo điều kiện tối đa cho người dân và phục vụ tốt công tác trong quản lý phương tiện, chúng tôi đã làm việc với chi cục thuế, kho bạc, công an quận, lực lượng CSGT và thống nhất gom nhiều cửa thành một cửa”, đại úy Khánh nói.
|
Tại Chi cục Thuế Q.Hai Bà Trưng, khi đến làm thủ tục sang tên đổi chủ, người dân sẽ được CSKV nơi họ cư trú đón, đưa vào bàn tiếp nhận hồ sơ, lấy tờ khai lệ phí trước bạ. Mọi vấn đề thắc mắc được giải thích tại chỗ. Sau đó, họ mang hồ sơ lên tầng 2 để cán bộ thuế tính thuế trước bạ rồi nộp luôn cho cán bộ kho bạc có mặt tại đây. Sau khi xong thủ tục, người dân được hướng dẫn xuống tầng hầm của chi cục thuế để CSGT cà số xe, viết giấy hẹn đến ngày nhận đăng ký mới. Toàn bộ quy trình này chỉ mất khoảng 30 phút đối với mỗi trường hợp.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, chỉ trong buổi sáng 18.5 đã có 200 người dân làm xong các thủ tục để có phương tiện “chính chủ”. Bà Lê Thị Thìn (60 tuổi, ngụ 42 Phù Đổng Thiên Vương) mua chiếc xe Spacy từ năm 2001, đến nay không còn liên lạc được với chủ cũ. “Bản thân tôi đi xe không chính chủ thấy bất an lắm, nhưng thủ tục thì rườm rà, đi lại nhiều chỗ nên mãi vẫn chưa sang tên được. Nay nhờ các anh công an giúp tôi đã đăng ký xe theo đúng tên. Nắng nôi thế này mà các anh ấy không ngại vất vả để tạo điều kiện giúp dân khiến chúng tôi rất cảm động”, bà Thìn nói.
Chủ hộ đi vắng thì xin số điện thoại... Cũng với cách thức cảnh sát đến nhà giúp dân làm thủ tục, toàn phường Ngô Thì Nhậm (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã thống kê và xác nhận cho 452 chiếc xe máy và 9 xe ô tô. Đây cũng là đơn vị đầu tiên của Hà Nội hoàn thành việc xác nhận cho các trường hợp theo diện Thông tư 12. Để làm được điều này, đại úy Nguyễn Hữu Khánh cho biết: “Toàn bộ CSKV huy động ngày 3 ca, xuống khu phố, vào hộ dân, hướng dẫn, giải quyết kê khai ngay biểu mẫu đối với những chủ hộ có mặt ở nhà. Trường hợp chủ hộ đi vắng thì xin số điện thoại hoặc nhờ hàng xóm nhắn thời gian sẽ quay lại. Chúng tôi làm theo phương châm: làm tổ nào dứt điểm tổ đó, hộ nào dứt điểm ngày hôm đó, hoặc muộn nhất sáng hôm sau sẽ mang đến tận nhà dân hoàn trả biểu mẫu đã được xác nhận”. |
Kinh nghiệm hay cho các địa phương khác Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 18.5, trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), đánh giá cách làm của Công an TP.Hà Nội đã tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục của ngành công an. Cách làm này không những giúp các cơ quan chức năng nhanh chóng hoàn thiện việc quản lý phương tiện, mà còn tạo hình ảnh tốt đẹp, thân thiện giữa công an và người dân. “Chúng tôi vừa có văn bản gửi cho các địa phương trong cả nước tham khảo, tùy theo tình hình có thể áp dụng kinh nghiệm hay này của Hà Nội”, trung tướng Nghị nói. |
Thái Sơn
Bình luận (0)