Bà Giả Nghiệp cùng hai đứa cháu nhỏ trong căn lều rách nát - Ảnh: Nguyễn Phúc |
Chủ tịch nước đã yêu cầu các ban ngành liên quan phải rốt ráo làm ngay, tránh để dân chịu thiệt. Không phải đến bấy giờ tỉnh Quảng Trị mới “kêu” cho dân, mà người dân đã “kêu” từ lâu lắm rồi.
Chui rúc trong lều tạm
Hơn ba năm kể từ trận lũ ống lịch sử quét qua địa bàn xã Húc Nghì, nơi cư ngụ chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số (tháng 10.2009). Người viết vẫn còn nhớ như in về cảnh hoang tàn đổ nát của một bản làng nằm ngay bên mép sông Đakrông hung hãn ngày đó. Đã có không dưới 70 ngôi nhà dân ở khu vực thôn Húc Nghì (xã Húc Nghì) bị đổ sập hoặc bị cuốn trôi, đẩy chừng ấy gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Không chỉ riêng người dân mà chính cả cán bộ, giáo viên nơi đây sau 1 đêm “sống chết” với tử thần để cuối cùng lại ngán ngẩm trước sự tàn khốc của thiên tai.
Nhưng rồi mọi người cũng phải xây dựng lại cuộc sống mới. Sự động viên đã đến rất kịp thời khi dự án Di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét xã Húc Nghì và các xã lân cận, được phê duyệt vào năm 2010 với tổng vốn đầu tư gần 70 tỉ đồng. Dự án này đã được giao cho Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.
Đầu tháng 5.2013, PV trở lại thôn Húc Nghì, tưởng như “dấu tích” của cơn đại hồng thủy năm xưa vẫn còn đây. Đó là những căn lều của hàng chục hộ dân vẫn được dựng lên tạm bợ bên bờ vực sâu hoắm. Hỏi ra mới biết, sự ì ạch của dự án “khẩn cấp” đã làm nên cớ sự này. “Sau năm lũ dữ, gia đình mẹ lợp cái lều tạm này vì cán bộ nói sắp được Nhà nước đưa qua bên kia sông, xây nhà mới. Vậy mà đã hơn 3 mùa rẫy, mẹ và các con của mẹ, các cháu của mẹ vẫn cứ ở thế này...”, bà Giả Nghiệp ngao ngán nói.
Còn ông Hồ Văn Bằng, cạnh nhà bà Nghiệp, than rằng: “Gia đình bố chuẩn bị vật liệu xây nhà từ lâu rồi, giờ gỗ đã mục, tôn đã gỉ mà vẫn chưa được qua sông. Mà năm ni lũ có về, gia đình bố biết chạy đi mô. Có khi lúc bố chết rồi vẫn chưa có nhà mà ở”.
Đây không phải là trường hợp cá biệt bởi theo ông Trần Minh Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Húc Nghì thì hiện có đến 109 hộ dân đang lay lắt cạnh mép sông Đakrông và có hàng chục hộ khác đang chui rúc trong lều tạm. “Hộ nghèo không có tiền dựng nhà đã đành, hộ dư giả cũng không dám làm vì phải chờ tái định cư. Và họ đã chờ hoài chờ mãi mà không thấy gì ngoài những lời hứa...”, ông Huỳnh cảm thán.
Và tiếp tục... chờ
Ông Hồ Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Húc Nghì không ngần ngại khi nói rằng dự án dù có tên “khẩn cấp” nghe rất oai, nhưng triển khai còn chậm hơn rùa bò, chính quyền xã không biết giải thích sao với dân. Theo ông Ngọc, dù tổng số tiền được phê duyệt là 70 tỉ đồng nhưng hiện nay việc giải ngân chưa được một nửa (29 tỉ đồng) nên hiện đơn vị thi công chỉ mới hoàn thành 40% đến 50%. Rất nhiều hạng mục quan trọng như: trường mầm non, công trình cấp nước, nhà dân và thậm chí là trụ sở UBND xã vẫn đang nằm... trên giấy. Cho đến thời điểm PV tiếp cận, “khu tái định cư” chỉ là một khoảng đất mới được san ủi mặt bằng, trơ trọi với màu xanh núi rừng. Có vài công nhân, dăm cái máy nhưng tất cả đều không làm việc...
Ông Nguyễn Hoàng Lan, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, dự án triển khai ì ạch là do thiếu vốn; nguồn vốn thực hiện nằm trong ngân sách dự phòng của T.Ư trong phòng chống thiên tai, nên giải ngân hết sức nhỏ giọt. “Hy vọng năm 2013 sẽ được giải ngân thêm 10 tỉ đồng nữa, nhưng kể cả có số tiền này thì khu tái định cư cũng khó có thể hoàn thành một cách mau lẹ”, ông Lan thở dài.
Trong câu chuyện này, có chút gì đó phảng phất về sự bất lực từ chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền địa phương. Có điều rằng, hôm trở về từ thôn Húc Nghì, chúng tôi gặp một trận mưa xối xả, chợt thấy thương cho những người dân nơi đây, già trẻ lớn bé đang co ro trong những căn lều tạm, quay bên nào cũng ướt. Từ thương sớm chuyển thành lo, bởi mùa bão lũ không mấy bao lâu nữa lại đến gần.
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)