Ngày 22.4, sinh viên Nguyễn Huy Phương đón xe buýt tuyến số 8 để đến Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Khi xe đến trạm, sinh viên này phát hiện ba lô đeo sau lưng đã bị rạch, chiếc laptop hiệu HP trị giá 15 triệu đồng “không cánh mà bay”. Trước đó, ngày 15.4, một nam sinh viên khác của Trường cao đẳng Xây dựng cũng bị kẻ gian lấy mất laptop ngay trên tuyến xe buýt số 8 này.
|
Cũng vào ngày 22.4, Công an Q.Thủ Đức tiếp nhận một vụ trộm laptop trên xe buýt khác. Sáng hôm đó, chị Nguyễn Thị Cẩm Thu (ngụ P.Phước Long B, Q.9) đón xe buýt tuyến 150 tại trạm Bình Thái - Trường Thọ đi Thủ Đức. Khi đến trạm, chị Thu xuống xe thì phát hiện ba lô đã bị mở bung dây kéo và chiếc laptop hiệu Acer trị giá 11 triệu đồng cũng mất dạng.
Thái Thị Vân Anh, sinh viên Trường cao đẳng Ngoại thương TP.HCM, cho biết không ít lần tận mắt chứng kiến cảnh trộm cắp trên xe buýt. “Có lần, em đi xe buýt tuyến số 8 từ Bến xe Q.8 đến Hàng Xanh. Lợi dụng lúc chen lấn, có hai người ăn mặc khá lịch sự móc túi quần lấy bóp của một người đàn ông đứng phía trước em. Sau khi thực hiện xong, 2 người này liền xuống xe ngay trạm kế tiếp. Dù thấy rõ ràng nhưng vì quá sợ nên em không dám la lên”, Vân Anh kể.
Không chen lấn khi lên xuống xe
Các trinh sát Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an Q.Thủ Đức (TP.HCM), nhìn nhận thực tế những vụ trộm cắp trên xe buýt xảy ra rất nhiều, nhưng vì nhiều lý do như tài sản có giá trị nhỏ, sợ mất thời gian... nên đa số nạn nhân không trình báo. Điều này gây khó khăn không ít trong việc chống phá tội phạm.
Về thủ đoạn của bọn trộm cắp, theo các trinh sát, chúng luôn đi theo nhóm từ 2 người trở lên, chọn các tuyến xe có số lượng khách đông, nhất là vào những giờ cao điểm, hành khách càng đông, càng chen lấn thì chúng càng dễ dàng thực hiện... “Khách đi xe buýt không nên để điện thoại, bóp có tiền ở túi quần hay túi áo khoác. Nếu ba lô, giỏ xách đựng laptop hoặc tài sản có giá trị nên đeo ở phía trước, khi trên xe có đông người, có cảnh chen lấn thì phải hết sức đề phòng”, ông Trịnh Kim Sơn, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an Q.Thủ Đức, khuyên.
Để đối phó với nạn trộm, cướp, trấn lột trên xe buýt, Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GTVT TP.HCM) cho biết đã khuyến khích các doanh nghiệp vận tải lắp đặt camera trên xe nhằm hỗ trợ việc nhận diện và chứng cứ truy bắt nghi can. Đồng thời, trung tâm cũng khuyến nghị khách không nên chen lấn, xô đẩy khi lên xuống xe để tội phạm không thể lợi dụng thời cơ ra tay; nếu phát hiện tội phạm hoạt động, cần tri hô và tố cáo, khai báo với cơ quan chức năng biết để triển khai việc theo dõi, truy bắt, phá án.
Những tuyến xe buýt “nóng” Theo Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, một số tuyến xe buýt hay xảy ra hiện tượng trộm cướp, móc túi, trấn lột gồm: Tuyến Bến xe Q.8 - Đại học Quốc gia (MST 08); Bến Thành - chợ Hiệp Thành (MST 18); Bến Thành - KCX Linh Trung - Đại học Quốc gia (MST 19); Bến Thành - Nhà Bè (MST 20); Bến xe An Sương - Đại học Quốc gia (MST 33); Bến xe Chợ Lớn - ngã ba Tân Vạn (MST 150); Bến xe Miền Tây - Bến xe Biên Hòa (MST 601). Từ đầu năm đến nay, trung tâm phối hợp lực lượng công an bắt được 7 nghi phạm trộm, móc túi, trấn lột trên xe buýt; ga hành khách xe buýt Chợ Lớn bắt 2 nghi phạm và ga hành khách xe buýt Sài Gòn bắt 3 nghi phạm... |
Hải Nam - Thanh Đông
>> Siêu trộm trên xe khách
>> Tóm kẻ trộm trên xe buýt
>> Phá băng trộm trên xe buýt
>> Tên trộm trên xe khách
Bình luận (0)