Trò mê tín công khai ở một xã văn hóa

21/05/2013 10:19 GMT+7

Hằng tháng, cứ đến ngày 29 và 30 âm lịch thì khu vực ấp 6, xã văn hóa Phú An, (H.Cai Lậy, Tiền Giang) lại ồn ào như lễ hội. Hàng trăm người, có lúc tới cả ngàn người từ khắp các tỉnh thành miền Tây và TP.HCM kéo về đây dự lễ “nhà thờ cửu huyền trăm kiến họ”!

Ngôi nhà của ông Mười Hai xưa nay chỉ là tư gia bình thường, không phải là nơi thờ tự của tôn giáo nào, cũng chẳng phải là nơi thờ cửu huyền trăm họ gì cả. Khách đến nhà ông Mười Hai đa số từ các địa phương khác, trong đó có cả những người môi giới. Hoạt động của ông Mười Hai là mê tín dị đoan có tổ chức và vụ lợi. Công an xã đã 2 lần lập biên bản và sẽ có biện pháp xử lý

Ông Võ Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã Phú An

Nhà thờ trăm kiến họ…

Theo quốc lộ 1 từ hướng TP.HCM về miền Tây, qua khỏi cầu Bà Tồn chừng 1,5 km, nhìn phía bên trái đường có con hẻm nhỏ. Ngay đầu hẻm có 2 tấm bảng hướng dẫn rất tỉ mỉ. Tấm bảng nhỏ treo trên vách quán ăn, ghi: “Nhà thờ cửu huyền trăm kiến họ, đi vô 200 m”. Một tấm bảng khác có kích thước rất to, chỉ dẫn: “Nơi thờ cửu huyền trăm kiến họ. Đại diện họ Lê, Nguyễn, Đỗ, Trần… tổ 16, ấp 6, xã Phú An, H.Cai Lậy, Tiền Giang”. Hôm chúng tôi đến có rất nhiều xe ô tô loại 50 chỗ ngồi mang biển số của nhiều tỉnh thành ĐBSCL và TP.HCM đang xếp hàng đậu dọc theo quốc lộ 1 để chờ khách “đi lễ”. 

Từ ngoài đầu hẻm đã nghe âm thanh hỗn tạp, xập xình của tiếng đàn, hát và tiếng người cười nói ồn ào giống như có đoàn hát về quê trình diễn. Vào tới nơi, chúng tôi thấy chừng vài trăm người đang tụ tập ở 2 ngôi nhà lớn và hầu hết là phụ nữ tuổi trung niên trở lên. Phía trước ngôi nhà có khoảng sân rộng được che rạp và kê nhiều bàn ghế tiếp đón khách thập phương. Ngoài ra còn có bãi giữ xe 2 bánh với những thanh niên tay đeo băng đỏ giống như ở một cái chợ nhà quê nào đó. Đây chính là nơi gọi là “nhà thờ cửu huyền trăm kiến họ” hay còn có tên khác là “Tịnh thất Minh Tâm”.

Nghiêm cấm đồng bóng, bói toán

Theo người dân địa phương, “nhà thờ cửu huyền trăm kiến họ” là nhà riêng của ông Nguyễn Văn Thiện (46 tuổi), còn có tên khác là Mười Hai. Người ta kể rằng trước đây, ông Mười Hai từng có vợ, chẳng hiểu sao ông lại chuyển qua mặc quần áo phụ nữ rồi tự xưng là “cô Minh Tâm”. Cũng từ đó, ngôi nhà của cha mẹ để lại được ông biến thành nhà thờ trăm kiến họ.

Ngoài ngôi nhà chính, ông Mười Hai xây thêm một ngôi nhà khác bên cạnh để làm nơi thờ phượng. Ở phía sau còn có một dãy nhà ước chừng 200 m2, được ngăn thành nhiều “khu chức năng” riêng biệt, như CLB văn hóa văn nghệ, khu nhà bếp, khu trị bệnh và có cả một cái chòi lá nằm riêng phía bên ngoài là nơi coi chỉ tay. Điều kỳ lạ là ở nhiều chỗ trong khu “thế giới riêng” của ông Mười Hai thấy có treo những tấm bảng với nội dung như: “Nghiêm cấm đồng bóng, bói toán, mượn đạo tạo đời, kinh doanh, lừa đảo…”, trong khi nơi đây đang diễn ra những chuyện như thế.

Trò mê tín công khai ở một xã văn hóa 1
Cô Sáu (người cầm micro) đang coi bói cho khách bằng hình thức hát “trợ duyên” mấy câu vọng cổ

Chuyện kỳ lạ tiếp theo ở nhà thờ trăm kiến họ là cách bày trí, thờ cúng. Chẳng hạn ở đây vừa thờ Phật, vừa thờ thiên nhãn theo đạo Cao Đài, có bàn thờ cửu huyền thất tổ đồng thời cũng có bàn thờ “Tổ quốc ghi công”. Kỳ lạ hơn, trên bàn thờ tổ quốc ghi công được bày trí ảnh và chừng năm chục pho tượng mặc quân phục đứng xếp hàng ngay ngắn nhưng chẳng hiểu đó là đạo quân nào. “Đây là nơi thờ cửu huyền trăm kiến họ. Ông bà mình mỗi người theo một đạo khác nhau nên phải có thờ đủ các đạo”, ông Mười Hai giải thích.

Nhà thờ trăm kiến họ có đặt 4 thùng công đức. Theo hướng dẫn của cô gái trong Ban thư ký tiền công đức thì “cúng bao nhiêu cũng được, cúng nhiều được phước nhiều, cúng ít được phước ít; nhưng tốt nhất là nên cúng tiền, cúng trái cây ít thôi”. Nghi thức cúng lễ ở đây cũng rất lạ. Sau khi đặt phẩm vật lên bàn thờ, cho tiền vào thùng công đức thì khách thắp nhang bái lạy. Trong khi đó, trước bàn thờ Phật, nhiều phụ nữ cứ thay phiên nhau nhảy múa. Làm lễ xong, khách ra dãy nhà phía sau để được xem chỉ tay đoán vận hạn, xem mạch đoán bệnh hoặc trị bệnh bằng giác hơi. Còn ai muốn biết số kiếp “ngày sau sẽ ra sao” thì tập trung trước nhà để “soi căn”. Người đảm nhận công đoạn này là một phụ nữ tuổi sồn sồn, gọi là cô Sáu. Trước khi “soi”, khách nói cho cô Sáu biết mình là con thứ mấy trong nhà, bao nhiêu tuổi, sau đó cô sẽ “hát trợ duyên” một đoạn cải lương để phán về thân phận của khách. Như là một chương trình đã cài đặt sẵn, với người lớn tuổi, cô Sáu ngân nga ai oán rằng cả đời người đã vất vả vì chồng, vì con, nay đến tuổi già thì lưng đau gối mỏi. Với người trẻ, cô Sáu hát thân cò phải nặng mối lo, bên hiếu bên tình bên nào cũng nặng…

Trò mê tín công khai ở một xã văn hóa
Ông Mười Hai giờ gọi là “cô Minh Tâm”

Một cụ già hàng xóm bức xúc: “Cái nhà thờ này thằng Mười Hai lập ra chừng 7 năm trước, nhưng mới vài năm nay mới bày ra việc cúng kiến linh đình. Tháng nào cũng vậy, bà con ở đây phải chịu đựng 2 ngày hết sức khổ sở vì tiếng ồn, tiếng đàn hát được mở hết cỡ từ sáng sớm cho đến nửa đêm khiến không ai ngủ được. Chúng tôi đã báo với trưởng ấp nhờ can thiệp, nhà trưởng ấp cũng ở gần đây, chính quyền họ biết hết nhưng chẳng thấy ai làm gì”.

Phương Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.