Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sự cố xảy ra trong lúc truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện (HTĐ) 500 kV bắc - nam, gây nhảy tất cả các tổ máy phát điện trong hệ HTĐ miền Nam, dẫn tới HTĐ miền Nam mất điện toàn bộ (lượng điện bị hụt do sự cố gây ra khoảng 9.400 MW).
|
Thủ phạm là xe cẩu
Qua điều tra sơ bộ của EVN, nguyên nhân sự cố do một xe cần cẩu trồng cây trong khu vực thành phố mới Bình Dương đã chạm vào đường dây 500 kV ở khoảng trụ 1072-1073 gần trạm biến áp 500 kV Tân Định.
Cụ thể khoảng 13 giờ 40 ngày 22.5, chiếc xe cẩu 61P-3745 do tài xế Ngô Tấn Thào (ngụ Bình Dương) điều khiển trong lúc nâng cây dầu tại P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một đã gây ra sự cố. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy chiếc xe cẩu đã nâng cây dầu có chiều cao khoảng hơn 15 m, đường kính ở phần gốc khoảng 15 cm để đưa vào khu vực thành phố mới Bình Dương trồng thì chạm vào đường dây điện. Xe cẩu đã bị lực lượng chức năng lập biên bản và tạm giữ.
|
Ngay sau khi sự cố xảy ra, EVN đã nhanh chóng chỉ đạo Trung tâm điều độ HTĐ quốc gia, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia, các tổng công ty điện lực, các nhà máy điện tập trung lực lượng, khẩn trương khắc phục sự cố để tái lập cung cấp điện cho HTĐ miền Nam.
Vào lúc 15 giờ 54 cùng ngày, EVN đã đưa vào vận hành trở lại đường dây 500 kV bắc - nam và từng bước khôi phục hệ thống điện miền Nam vào chiều và tối qua.
Không có phương án phòng ngừa
Hiện chưa cơ quan nào có thể đưa ra đánh giá thiệt hại chung do sự cố mất điện này gây ra. EVN cho biết do sự cố đang trong quá trình khắc phục nên chưa tính toán được thiệt hại về mặt kinh tế. Riêng với ngành điện thì căn cứ trên lượng điện phát bị mất mà EVN công bố (9.400 MW), ước tính sơ bộ thiệt hại gần 14 tỉ đồng.
Theo ông Trần Quốc Lẫm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVN NPT), sự cố đang trong quá trình điều tra, tuy nhiên, sơ bộ đây là nguyên nhân khách quan do xe cẩu vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Ngành điện đã có cảnh báo khoảng cách an toàn lưới điện, lý do tại sao vi phạm sẽ phải làm rõ. “Về mặt nguyên tắc, ngành điện khi cắt điện phải báo trước 1 tuần, nếu không báo trước sẽ phải đền bù thiệt hại cho khách hàng, nhưng đây là sự cố bất khả kháng nên không thể báo trước, chỉ mong khách hàng thông cảm”, ông Lẫm nói.
Trong thông cáo báo chí gửi đi chiều cùng ngày, Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVN HCMC) gửi lời xin lỗi đến khách hàng do sự cố mất điện này. EVN HCMC cũng đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan và thực hiện theo sự điều hành của Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam (A2), tiến hành khôi phục. Đến 14 giờ 34 phút đã bắt đầu tái lập điện cho các phụ tải quan trọng. Đến 18 giờ, khoảng 80% khu vực tại TP.HCM đã có điện trở lại. Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ EVN HCMC nói đây là sự cố bất khả kháng đặc biệt nên ngành điện không thể có phương án phòng ngừa.
|
Rủi ro vì phụ thuộc vào 2 đường dây
Ông Trần Quốc Lẫm cũng cho hay, hiện tại mạng lưới truyền tải điện cả nước phụ thuộc chính vào 2 đường truyền 500 kV mạch 1, mạch 2 truyền tải điện từ bắc vào nam. Ngoại trừ các trường hợp sự cố xảy ra, 2 đường dây này đảm bảo cung ứng điện ổn định. EVN NPT đang triển khai thêm 1 đường truyền 500 kV mạch 3 từ miền Trung vào miền Nam, dự kiến cuối năm 2013 sẽ đi vào hoạt động. “Hiện tại, trường hợp sự cố xảy ra trên 1 đường dây 500 kV thì đường dây còn lại không thể gánh được”, ông Lẫm nói. Theo ông, khi đường truyền 500 kV mạch 3 đi vào hoạt động sẽ đảm bảo cung cấp ổn định hơn cho hệ thống điện cả nước.
Trên thực tế, đường dây 500 kV trước đây cũng từng gặp sự cố. Cụ thể là lúc 7 giờ 26 ngày 4.10.2012, các tổ máy của Nhà máy điện Cà Mau 2 (công suất 750 MW) đang vận hành đã đột ngột ngừng do sự cố bên trong nhà máy. Sự cố này đã khiến hệ thống điện dao động mạnh và gây nhảy 2 đường dây 500 kV Đắk Nông - Phú Lâm và Di Linh - Tân Định, hệ thống điện miền Nam vận hành độc lập, tần số sụt giảm. Để tránh rã lưới hệ thống điện khu vực miền Nam, các rơ le bảo vệ được chỉnh định tự động đã sa thải phụ tải gây mất điện ở một số nơi thuộc khu vực miền Nam như: Đồng Nai, TP.HCM, Vũng Tàu, An Giang, Long An…
Trở lại với sự cố lần này, theo luật Điện lực VN và Nghị định hướng dẫn về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện đến điểm gần nhất của thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp với đường dây 500 kV là 8 m. Ngoài ra, khoảng cách từ độ võng thấp nhất của đường dây 500 kV đến điểm cao nhất của phương tiện giao thông đường bộ (4,5 m) phải cách 5,5 m mới đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, cho rằng với ý thức kém và thiếu hiểu biết về các quy định trên nên rất dễ xảy ra các trường hợp vi phạm hành lang an toàn điện, dẫn đến các sự cố trên đường dây 500 kV cũng như các đường dây khác. “Nếu cần cẩu cách đường dây chỉ 5 m là có thể xảy ra phóng điện tại chỗ, đứt dây, vì điện trường tỏa ra của đường dây 500 kV rất mạnh”, ông Ngãi nói. Về lâu dài, theo ông Ngãi, khi các nhà máy nhiệt điện chạy than miền Bắc, miền Trung hoàn thành, sẽ hình thành hệ thống mạch vòng (các nhà máy phát điện được đấu nối lên đường dây 500 kV, liên kết bằng mạch vòng), khi ấy truyền tải điện sẽ giảm gánh nặng do không phải truyền tải thẳng.
Thế nhưng, trước khi hệ hống mạch vòng có thể triển khai, việc mạng lưới điện quốc gia phụ thuộc lớn vào đường dây 500 kV để truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao khi 1 trong 2 đường dây, thậm chí cả 2 đường dây gặp sự cố. Nhất là khi ngành điện đang thiếu khả năng phòng ngừa, giảm thiểu các sự cố tương tự vừa qua.
Chi phí tăng vọt. Đại diện hệ thống Vinatexmart ước tính: “Riêng ở TP.HCM và khu vực miền Đông, miền Tây chúng tôi có 43 siêu thị. Điện cúp từ lúc 2 giờ chiều ngày 22.5, khu vực TP.HCM đến khoảng 4 giờ 30 chiều cùng ngày có điện lại. Máy phát điện chạy bằng dầu D.O, giá 21.000 đồng/lít, tốn khoảng 20 lít/giờ. Như vậy, ước tính chi phí phát điện các siêu thị tại TP.HCM hơn 13,6 triệu đồng. Đến chiều tối cùng ngày các tỉnh miền Đông, miền Tây chưa có điện lại, ước tính chi phí dầu chạy máy phát điện tại các siêu thị Vinatexmart miền Đông là hơn 26,4 triệu đồng, miền Tây là hơn 17,6 triệu đồng. Hàng hóa hư hỏng. Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Công ty phân bón Việt Mỹ (Bình Dương), cho biết: “Vụ cúp điện đột ngột đã khiến hàng chục tấn hàng của tôi bị hư hỏng, chảy nước và kẹt trong dây chuyền sản xuất. Không kể giá trị hàng hóa, nhà máy của tôi phải ngưng hoạt động một ngày để công nhân đục nạo lấy nguyên liệu ra. Sự cố này cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng của công ty chúng tôi”. Người nuôi tôm ngồi trên “chảo lửa”. Sự cố cúp điện đột ngột đã làm cho hàng ngàn hộ nuôi tôm công nghiệp ven biển các tỉnh trong khu vực ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu… như ngồi trên “chảo lửa” vì sợ tôm chết do thiếu ô xy. Ông Lê Minh Trường, một người nuôi tôm ở ấp Cả Vĩnh, xã Hưng Hội, H.Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) cho biết, phần lớn người nuôi tôm không trang bị máy phát điện dự phòng nên khi cúp điện đột ngột sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tôm nuôi. Cháy máy phát điện ở trường mầm non. Tại Trường mầm non Hoa Hồng Nhỏ (246 Ba Cu, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) sau sự cố mất điện nên nhân viên kỹ thuật của nhà trường cho chạy máy phát điện. Trong lúc máy đang hoạt động thì bất ngờ bùng cháy dữ dội. Lúc này trong trường có hơn 350 cháu nhỏ đang học. Người dân đi đường đã dừng xe cùng vào trường để đưa các cháu ra ngoài. Hai xe chữa cháy của công an tỉnh đã nhanh chóng đến hiện trường dập tắt đám cháy. Vụ cháy làm máy phát điện bị thiêu rụi hoàn toàn. Theo nhà trường, máy phát điện mới mua giá 86 triệu đồng. Hàng quán lộn xộn. Ông Trần Công Tuấn, chủ quán cà phê Làng báo 2 (47A Mậu Thân, P.An Hòa, Q.Ninh Kiều, Cần Thơ) cho biết: “Điện cúp quá đột ngột nên hệ thống máy tính tiền điện tử của quán không thể giao dịch được”. Bà H.L (chủ một minilab máy ảnh tại tỉnh Kiên Giang) than trời: “Minilab phải sử dụng điện 3 pha. Hôm trước chỉ riêng 1 pha cúp không báo trước đã gây hỏng hệ thống máy lạnh tốn cả chục triệu đồng rồi. Nay cúp cái rụp 3 pha liền một lúc máy móc, thiết bị nào chịu cho thấu”. Doanh nghiệp làm nước đá kêu trời. Sự cố cúp điện đang làm đảo lộn đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cả các cơ quan ban ngành ở tỉnh Cà Mau. Ông La Gia Phú, Giám đốc Công ty sản xuất nước đá Gia Phú (Sông Đốc, H.Trần Văn Thời) phàn nàn: “Sự cố làm ảnh hưởng đến hàng ngàn cây nước đá sắp thành phẩm, gây thiệt hại trên 50 triệu đồng”. Đèn tín hiệu giao thông tê liệt. Gần như toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn TP.HCM đã bị tê liệt. Theo Công ty chiếu sáng công cộng TP, chỉ có một số ít đèn tín hiệu có nguồn điện dự phòng là còn hoạt động. Tình hình giao thông tại TP.HCM rơi vào hỗn loạn cục bộ, nhất là ở những giao lộ ở trung tâm. Ngay sau đó, lực lượng CSGT đã có mặt điều phối giao thông để tránh xảy ra tình trạng kẹt xe. Thanh Niên |
Một số vụ mất điện trên diện rộng lớn Ấn Độ năm 2012: Đây được xem là vụ mất điện lớn nhất trong lịch sử, xảy ra trong hai ngày 30 và 31.7 tại 22 bang ở miền bắc, đông và đông bắc Ấn Độ do quá tải lưới điện. Theo báo USA Today, vụ mất điện đã tác động đến ít nhất 620 triệu dân, chiếm phân nửa dân số Ấn Độ và khoảng 9% dân số thế giới. Brazil năm 1999: Sét đánh một nhà máy điện ở bang Sao Paulo đã khiến 97 triệu người không có điện dùng trong 5 giờ vào ngày 11.3, theo AP. Mỹ năm 2003: Theo AP, đây là vụ mất điện tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Các vấn đề về đường dây ở khu vực Trung Tây nước này vào ngày 14.8 đã khiến 50 triệu dân ở 8 bang của Mỹ và Canada lâm cảnh không có điện dùng trong hơn 1 ngày. Ý năm 2003: Một vụ chập mạch trên đường dây ở Thụy Sĩ đã dẫn đến tình trạng mất điện trên 95% lãnh thổ Ý ngày 28.9. Khoảng 55 triệu người phải chịu cảnh không có điện dùng trong 18 giờ, theo ABC News. * 14 tỉnh miền Nam Thái Lan cũng bị sự cố cúp điện hàng loạt vào chiều tối 21.5. Sự cố bắt đầu từ lúc 6 giờ kéo dài hơn 8 giờ. Toàn bộ các tỉnh miền nam gần như bị tê liệt trong 2 tiếng đồng hồ. Đến 9 giờ 30 tình hình mới được khắc phục trên toàn vùng. Ngoài việc giải quyết sự cố gây ra mất điện, giới chức địa phương linh động nhập điện từ Malaysia để cung cấp điện cho các cơ sở cấp thiết. Chưa biết nguyên nhân chính xác vì sao xảy ra hiện tượng này. Các chuyên gia của Cơ quan điện lực Thái Lan nói rằng đường dây tải điện cao thế ở khu vực miền trung cung cấp điện cho miền nam bị sự cố. Tuy nhiên cơ quan này cũng chưa giải thích rõ vì sao có sự cố trên đường truyền điện trung - nam như thế. Thủ tướng Yingluck Shinawatra yêu cầu ngành điện lực tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân để tránh sự cố mất điện tương tự xảy ra trong tương lai. Đây là sự cố mất điện lớn nhất từ trước đến nay ở Thái Lan. Nhiều nhà máy và khu công nghiệp ở khu vực này phải gián đoạn hoạt động. Ước tính thiệt hại của cả vùng trên 10 tỉ baht (7.000 tỉ đồng). Trùng Quang - Minh Quang (Văn phòng Bangkok) |
Thanh Niên
>> Sự cố mất điện toàn miền Nam: Tất cả CSGT tại TP.HCM đều... ra đường
>> Cận cảnh hiện trường sự cố gây mất điện toàn miền Nam
>> Điêu đứng vì mất điện toàn miền Nam
>> Nguyên nhân mất điện toàn miền Nam là do... xe cẩu
>> Cư dân mạng nhốn nháo vì.... cúp điện
Bình luận (0)