Nhiều ý kiến xác đáng của DN được đưa ra trong hội thảo Vai trò của DN trong phòng, chống tham nhũng do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Phòng TM-CN Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Đà Nẵng.
Có nhiều, nhưng khó chỉ đích danh
Ông Phan Văn Bút, một chủ cơ sở ở TP.Đà Nẵng mở đầu bằng câu chuyện kể về trường hợp một người thân của ông làm việc ở một đơn vị nọ, do muốn lên chức cao hơn đã phải bỏ tiền ra để chạy. “Nó nói với tui, thời buổi này không chạy không được. Có chức, có quyền mới có điều kiện “kiếm ăn” và thu hồi vốn đã bỏ ra. Có chức mới có điều kiện để tham nhũng, chứ anh xích lô, xe thồ thì lấy gì mà tham nhũng được”. Điều này được xác nhận khi ông Đậu Anh Tuấn, Phụ trách Pháp chế của VCCI cho biết, qua điều tra, khảo sát của VCCI trong năm 2012 tại 8.177 DN tư nhân, có đến trên 50% số DN được hỏi cho rằng có đưa những loại chi phí ngoài quy định cho cán bộ, công chức (CBCC) để hoạt động của DN mình được nhanh chóng, thuận lợi hơn. Ông Đậu Anh Tuấn cũng thẳng thắn, mấu chốt của tham nhũng chính là từ hệ thống pháp lý, cơ chế phức tạp, tính minh bạch thấp, sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan công quyền và sự phân công phân nhiệm không rõ ràng. “Ai cũng có quyền hoạch họe, vòi vĩnh DN, nhưng khi yêu cầu chỉ ra người có trách nhiệm và chịu trách nhiệm chính thì không có ai nhận cả”. Chính vì vậy, DN phải gồng mình, tự bơi trong mớ hỗn loạn các thủ tục, quy định, phí, lệ phí... và cuối cùng để được việc, họ đành “bôi trơn” bằng những khoản “lót tay” cho CBCC.
Phân tích về mấu chốt của tham nhũng, ông Trần Quang Tuấn, dẫn chuyện thời... phong kiến. Dù không văn minh như bây giờ, song để hạn chế các biện pháp như không cho người địa phương giữ chức quan “có điều kiện tham nhũng” cỡ tri huyện, tri phủ trở lên. Liên quan đến chuyện DN có đưa hối lộ cho CBCC hay không, ông Tuấn khẳng định như đinh đóng cột: “Nói DN Việt Nam không đưa hối lộ, không dùng tiền để chạy chọt cho có lợi thì cứ chặt đầu tui liền”. Còn ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước chỉ ra một vấn nạn đã thành “truyền thống” của DN, đó là “ưng đưa hối lộ từ cao tới thấp”, đến mức “hiện nhu cầu đưa hối lộ nhiều hơn nhu cầu nhận hối lộ”.
|
Doanh nghiệp đóng cả 4 vai
Ông Deepak Mishra, Kinh tế gia trưởng của WB phân tích, tình hình kinh tế hiện nay đặt ra nhiều thách thức trong phát triển, đầu tư đã tác động không nhỏ, gây khó khăn lớn đến khu vực kinh tế tư nhân, kể cả DN nhà nước. “Điều quan trọng là khi gặp khó khăn, thách thức, nhiều DN đã không ngần ngại đưa hối lộ để giải quyết các vấn đề của DN mình trong thời gian ngắn mà ngay họ cũng không ý thức rằng làm như vậy là phạm pháp”, ông Deepak Mishra nói. Trong khi đó, ông James Anderson, cố vấn thể chế của WB đưa ra con số 63% DN được khảo sát cho rằng CBCC cố tình dây dưa, làm khó để nhận hối lộ. Vòng luẩn quẩn này cứ tiếp diễn, khiến tham nhũng sinh sôi. Ông Đậu Anh Tuấn cho biết quan khảo sát của VCCI tại nhiều địa phương, nhũng nhiễu nhỏ thì đã giảm thấy rõ, nhưng tham nhũng thì chưa và đặt câu hỏi: “Liệu tham nhũng đang chuyển qua giai đoạn mới theo hướng tinh vi hơn hay không?”.
Vậy làm thế nào để hạn chế tham nhũng khi chính DN là nạn nhân, là tội phạm? Theo ông Trần Văn Lĩnh, từ trước đến nay, đã trên 25 năm làm giám đốc, ông chưa bao giờ tiếp tay cho ai tham nhũng cả. Họ cũng biết sợ mà “chừa” DN ông ra, không hề làm khó. Trong khi đó, thay mặt VCCI, ông Nguyễn Diễn kêu gọi các hiệp hội DN, cộng đồng DN ngoài việc nỗ lực kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, hãy tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ma bắt coi mặt người ta/Thằng nào yếu vía thì ma bắt liền, ông Nguyễn Diễn nói về kinh nghiệm của ông bà và đề nghị DN hãy mạnh dạn nói không với tệ tham nhũng.
Theo kết quả khảo sát xã hội học của Thanh tra Chính phủ và WB về vấn đề "Vì sao DN đưa hối lộ và đưa cho ai", qua điều tra 1.058 DN thì có tới 63% DN cho rằng công chức cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, 58% nói công chức không hướng dẫn cụ thể thủ tục nhưng cố tình soi xét, bắt lỗi để từ chối giải quyết, 28% DN cho rằng công chức bám vào quy định không chặt chẽ, không rõ ràng để bắt bí DN. |
Hữu Trà
Bình luận (0)