Giới thiệu ông Đinh Tiến Dũng làm Bộ trưởng Tài chính

24/05/2013 03:10 GMT+7

Chiều qua, trong phiên làm việc toàn thể tại nghị trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng giữ chức Bộ trưởng Tài chính, thay cho ông Vương Đình Huệ đã được Quốc hội (QH) phê chuẩn miễn nhiệm trước đó.

Tại phiên họp cuối giờ sáng, Thủ tướng đã đề nghị QH phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ, vì vào ngày 28.12.2012, ông Huệ đã được Bộ Chính trị phân công giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ trên của ông Huệ với 90,96% phiếu thuận (453/457 ĐB có mặt tán thành, 3 ĐB không tán thành, 1 không biểu quyết).

Trong Tờ trình giới thiệu Tổng kiểm toán Đinh Tiến Dũng vào cương vị Bộ trưởng Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: "Trong quá trình công tác, ông Đinh Tiến Dũng luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, đủ điều kiện để đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Tài chính".

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu sau đó cho hay Thủ tướng đã trao đổi thống nhất với Ủy ban TVQH để QH phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Tổng kiểm toán của ông Đinh Tiến Dũng trước khi tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn ông Dũng giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính. Theo nghị trình, sáng nay QH sẽ tiến hành xem xét phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Tổng kiểm toán với ông Dũng và sau đó bỏ phiếu phê chuẩn nhân sự này vào vị trí mới theo đề xuất của Thủ tướng.

Đồng ý “siết” nhập cư thành phố lớn

 
Giới thiệu ông Đinh Tiến Dũng làm Bộ trưởng Tài chính

Ông Đinh Tiến Dũng sinh ngày 10.5.1961, dân tộc Kinh, trình độ chuyên môn cử nhân tài chính kế toán, thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh; trình độ lý luận chính trị cao cấp, ngoại ngữ tiếng Anh B. Ông là cán bộ được đào tạo cơ bản, đã đảm nhiệm nhiều chức vụ trong bộ máy nhà nước trước khi được bầu làm Tổng kiểm toán, như Kế toán trưởng Tổng công ty thủy tinh và gốm xây dựng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tài chính của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

(Theo tờ trình của Thủ tướng Chính phủ)

Tại phiên họp QH sáng qua, thẩm tra nội dung sửa đổi một số quy định của luật Cư trú do Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang thừa ủy quyền Thủ tướng trình, cơ quan thẩm tra tán thành cơ bản với các quy định bổ sung về điều kiện đăng ký thường trú vào các TP lớn theo đề xuất của Chính phủ.

Theo Tờ trình, để được đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc T.Ư, ngoài quy định phải có chỗ ở hợp pháp thì công dân còn phải đáp ứng điều kiện về thời gian tạm trú là 1 năm (giữ thời hạn như quy định hiện hành) nếu đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc TP trực thuộc T.Ư; hoặc là 2 năm nếu đăng ký thường trú vào quận của các TP này. Dự thảo luật cũng đồng thời bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại TP trực thuộc T.Ư khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì còn phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP, có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân và phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc giữ quy định về thời gian tạm trú là 1 năm như luật Cư trú hiện hành để áp dụng đối với trường hợp công dân đăng ký thường trú vào các huyện, thị xã thuộc TP trực thuộc T.Ư là phù hợp. Bởi lẽ, sự quá tải về dân cư tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Do đó, để hạn chế bớt số lượng người thường trú tại các quận nội thành thì có thể nâng điều kiện về thời hạn tạm trú từ 1 năm lên 2 năm và phải bảo đảm về diện tích ở tối thiểu như quy định của dự thảo luật là hợp lý. “Việc quy định của dự thảo luật cũng thống nhất với nội dung của điều 19 luật Thủ đô mới được QH thông qua tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, cũng chỉ quy định các điều kiện chặt chẽ hơn khi đăng ký thường trú vào các quận của TP.Hà Nội”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lý giải.

Tuy vậy, ông Lý cũng cho hay, cũng còn có những ý kiến cho rằng việc sửa đổi điều kiện đăng ký thường trú tại quận nội thành của các thành phố trực thuộc T.Ư như vậy vẫn chưa giải quyết được vấn đề người dân tập trung cư trú đông ở nội thành. Bởi lẽ, người dân cư trú tại đó là để sống và làm việc, không phải vì không được đăng ký thường trú mà họ không sinh sống tại nội thành. Do vậy, ý kiến này đề nghị cần có giải pháp tổng thể về kinh tế - xã hội khắc phục vấn đề tập trung dân cư vào nội thành của các TP lớn trực thuộc T.Ư.

Với quy định bổ sung một số trường hợp được đăng ký thường trú tại khoản 2 điều 1 của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 20 luật Cư trú về trường hợp được đăng ký thường trú đối với người độc thân về sống với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột khi được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu, ông Lý cho biết Ủy ban Pháp luật tán thành nhưng có ý kiến đề nghị cân nhắc, nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp người chưa thành niên còn cha, mẹ mà cha mẹ đã ly hôn và đã kết hôn với người khác, nhưng có nguyện vọng về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột.

Theo nghị trình, dự luật Cư trú sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại phiên thảo luận tổ chiều nay 24.5 và thảo luận tại hội trường vào sáng 8.6 tới.

Bảo Cầm

>> Khuyến khích nhập cư vào vùng ven
>> Siết nhập cư vào nội thành Hà Nội
>> Siết nhập cư ở Thủ đô: Chưa phải tối ưu nhưng cần thiết?
>> Siết nhập cư các TP lớn

>> Lại đề xuất xóa đăng ký thường trú với người đi tù
>> “Siết” điều kiện đăng ký thường trú nội đô thành phố lớn  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.