|
* Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số CPI tháng 5 âm 0,06%, sau 5 tháng chỉ tăng 2,35% so với cuối 2012. Dấu hiệu suy giảm kinh tế đã rõ rệt hơn, quan điểm Chính phủ có nên nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa như đề nghị của Ủy ban kinh tế (UBKT) để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?
- UBKT đề xuất chung chung như vậy, việc nới lỏng hay không phải thận trọng, không thể nói ào ào được đâu vì lạm phát cụ thể thấp, nhưng lạm phát cơ bản vẫn còn cao. CPI giảm chủ yếu do lương thực, thực phẩm giảm nên phải nhìn vào đó để phân tích. Hiện nay, chúng ta phải đề phòng câu chuyện kinh tế thế giới có phục hồi nhưng chưa bền vững, giả dụ có phục hồi tốt hơn thì giá cả nguyên, nhiên vật liệu sẽ tăng trở lại.
* Vừa rồi có 2 yếu tố dẫn tới thiểu phát, một là CPI giảm, thị trường trì trệ, DN khó khăn. Nhiều ý kiến lo lắng nền kinh tế bị thiểu phát?
- Đánh giá thiểu phát phải có tiêu chí, bởi vì CPI giảm phải xem chủ yếu là cái gì, chủ yếu ở đây do giá lương thực, thực phẩm giảm. Việc này cũng ảnh hưởng tới người dân và Chính phủ không muốn điều đó, đang có chính sách hỗ trợ nhưng cái quan trọng phải xem xu hướng của nền kinh tế.
Hiện nay chỉ số ngành công nghiệp cũng khá lên, lượng hàng tồn kho vẫn cao nhưng cũng đã giảm, thứ ba tăng trưởng tín dụng tuy chậm, nhưng so với năm ngoái tốc độ khá hơn. Phân tích trên khía cạnh đó, chúng ta chưa phải vội và quá lo lắng, tuy nhiên đúng là DN và nền kinh tế cũng hết sức khó khăn, điều đấy không ai phủ nhận. Vì thế Chính phủ cũng đang suy nghĩ, tính toán trong phiên họp ngày mai cũng sẽ bàn, xem xét để tiếp tục thực hiện gói cứu trợ theo Nghị quyết 02, vì hiện nay cũng có ý kiến nói rằng bị chậm thì mình phải làm nhanh hơn. Thứ hai cũng phải xem xét để huy động thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế. Gọi là nới lỏng thì không chính xác, chưa dùng cái đó, nhưng cũng phải tạo điều kiện nâng tổng cầu của nền kinh tế, cần thiết phải xem xét một cách nghiêm túc.
* Trần nợ công và bội chi được Quốc hội chốt rồi, giờ không nới lỏng thì Chính phủ định tăng thêm nguồn lực hỗ trợ bằng cách nào?
- Thứ nhất, về chính sách tín dụng mình cũng không nói quá chặt chẽ, mà phải xem xét điều hành linh hoạt. Bây giờ vẫn còn khung tăng trưởng tín dụng cả năm 12%, làm hết mức này cũng đã là quá tốt rồi. Thứ hai, nợ công trong giới hạn an toàn, cho nên cũng cần xem xét có thể huy động thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế vượt qua lúc khó khăn này. Chính phủ đang xem xét, đề xuất Quốc hội nới trần nợ công một chút.
* Vậy còn gói hỗ trợ miễn, giãn, giảm thuế nhiều ý kiến đề xuất áp dụng sớm luật Thuế TNDN sửa đổi từ 1.7.2013 để kịp thời hỗ trợ DN?
- Việc này đã có ý tưởng từ đầu năm và cuối năm ngoái, nhưng vì thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên Chính phủ phải báo cáo lên Thường vụ QH ban hành Nghị quyết riêng. Nhưng thường vụ có ý kiến đưa luôn Nghị quyết vào trong luật sửa đổi, luật này mà thông qua thì thực hiện được ngay vì thuế TNDN nộp theo quý, quyết toán theo năm nên cũng không có ngại gì về thủ tục hướng dẫn cả.
Anh Vũ
(thực hiện)
>> Phải công khai, minh bạch nợ công
>> Mỗi người dân gánh 800,7 USD nợ công
>> Nợ công Việt Nam bằng gần 55% GDP
>> Lo ngại nợ công cao
>> Đến 2020, nợ công không quá 65% GDP
Bình luận (0)