Phải đúng quy chế
Hàng loạt các câu hỏi đặt ra trước quy định cho phép thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Sau khi Bộ có hướng dẫn cơ bản nhất nhằm giúp phân biệt được loại máy nào không có chức năng truyền dẫn tín hiệu thì vẫn còn những băn khoăn khác. Chẳng hạn thí sinh được sử dụng máy móc đó trong phòng thi thế nào? Thiết bị không đúng quy định thì xử lý ra sao?...
|
Ông Ngô Văn Hợi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, cho rằng: “Lúng túng ban đầu là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng tôi thống nhất là thực hiện triệt để quy định của Bộ và không tự thêm vào các yêu cầu gì gây cản trở đối với thí sinh cả”. Ông Hợi phân tích: “Thí sinh có thể quay hình, ghi âm nhưng phải đảm bảo quy chế trong phòng thi, không được quay ngang quay ngửa. Nếu quay ngang quay ngửa sẽ bị phạt như thí sinh vi phạm quy chế trong phòng thi”.
Cùng quan điểm, ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình, khẳng định: “Dẫu mang hay không mang thiết bị vào thì các em vẫn phải thực hiện đúng quy chế. Ví dụ, quay phim, ghi âm thì không được làm ảnh hưởng tới trật tự phòng thi. Khi giám thị kiểm tra những vật dụng được phép mang vào phòng thi, nếu phát hiện ra thiết bị lạ thì thí sinh phải có trách nhiệm chứng minh vật dụng đó không thu phát được tín hiệu ra khỏi phòng thi”. Ông Nguyễn Công Ất, Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, nêu quan điểm thí sinh báo cáo hay không là quyền của học sinh còn giám sát, kiểm tra là việc của giám thị, thiết bị nào không đúng quy định sẽ bị xử lý theo đúng quy chế.
Cam kết sử dụng đúng loại thiết bị
Trước khi có hướng dẫn của Bộ, các trường THPT ở Bắc Giang đã phổ biến đến học sinh lớp 12 chủ trương của Sở GD- ĐT tỉnh này. Theo đó, để sử dụng đúng loại thiết bị, thí sinh phải đăng ký và nộp thiết bị cho nhà trường 5 ngày trước khi thi. Trường phổ thông dân lập Đồi Ngô, điểm nóng về tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, cũng phát đi thông báo này và rộ lên làn sóng phản ứng trong dư luận vì cho rằng nhà trường cấm học sinh quay phim phản ánh tiêu cực. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho biết ngay khi được tin Trường THPT dân lập Đồi Ngô và các trường khác bắt học sinh ký cam kết không quay phim trong kỳ thi tốt nghiệp, ông đích thân đi kiểm tra và kết quả là các trường cho học sinh ký cam kết nhưng với nội dung chỉ mang thiết bị có chức năng ghi chứ không có chức năng phát vào phòng thi. Cũng theo ông Hiền, sau khi có công văn hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, việc bắt học sinh đăng ký thiết bị cũng được sở GD-ĐT yêu cầu các trường bãi bỏ.
|
Ghi nhận của Thanh Niên cho thấy, một số trường huy động giáo viên dạy tin học am hiểu về công nghệ chia sẻ kiến thức với toàn bộ giáo viên trong trường để mọi người có thể nhận biết được các loại máy có và không có chức năng phát thông tin tại chỗ.
Bên cạnh đó, để học sinh có ý thức và trách nhiệm về hành động của bản thân, tuy không bắt học sinh muốn mang thiết bị chống tiêu cực vào phòng thi phải đăng ký trước nhưng không ít trường yêu cầu học sinh ký cam kết mang đúng loại thiết bị mà quy chế cho phép. Hiệu trưởng một trường THPT ở Hưng Yên cho biết đã tập huấn cho giáo viên và thông báo quy chế cho học sinh, yêu cầu học sinh phải làm giấy cam đoan, nếu mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi thì thiết bị phải không có chức năng phát tại chỗ. Ông Trần Hữu Hy, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Nghệ An, cho hay: “Chúng tôi chỉ khuyến khích (chứ không ép). Nếu thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình mà quy chế cho phép thì nên báo cáo với lãnh đạo hội đồng thi”.
Ông Nguyễn Văn Khoát, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam, khuyên: “Nếu các em mang dụng cụ ghi hình, ghi âm mà không có chức năng thu nhận hay phát đi thông tin thì cũng nên thông báo để thầy cô giúp các em xác định những dụng cụ đó đúng quy chế”. Nhắc nhở điều này bởi ông Khoát lo ngại học sinh vô tình mang vào và sử dụng loại thiết bị có chức năng truyền phát hoặc thu nhận tin... thì sẽ bị thiệt thòi vì vi phạm quy chế thi.
Tuệ Nguyễn - Lê Đăng Ngọc
Bình luận (0)