Người chăn nuôi khốn đốn

30/05/2013 10:31 GMT+7

Hàng loạt hộ chăn nuôi ở ĐBSCL đang lâm vào cảnh khốn đốn khi heo, gà, vịt, cá tra, tôm… thi nhau rớt giá, cộng với dịch bệnh hoành hành trên diện rộng khiến càng nuôi càng lỗ nặng.

Hàng loạt hộ chăn nuôi ở ĐBSCL đang lâm vào cảnh khốn đốn khi heo, gà, vịt, cá tra, tôm… thi nhau rớt giá, cộng với dịch bệnh hoành hành trên diện rộng khiến càng nuôi càng lỗ nặng.

Nuôi nhiều, lỗ nhiều

Những ngày này, người chăn nuôi ở H.Chợ Gạo (Tiền Giang) đang đứng ngồi không yên vì giá heo hơi xuống thấp. Theo ông Lê Văn Đang, một hộ nuôi heo lâu năm ở xã An Thạnh Thủy, nếu như 2 năm trước, giá heo hơi dao động từ 5,1 - 5,3 triệu đồng/tạ, thì nay giảm xuống chỉ còn 3,5 - 3,6 triệu đồng/tạ. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó phòng NN-PTNT H.Chợ Gạo, cho biết toàn huyện hiện có hơn 100.000 con heo. Do gần đây giá heo hơi cứ liên tục giảm; trong khi đó, các khoản chi phí đầu vào đều tăng cao nên người chăn nuôi thua lỗ trầm trọng”. Không chỉ Tiền Giang, mà tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long…, người nuôi heo cũng đang kiệt sức. Chị Nguyễn Thị Hoa (ở xã Vĩnh Thạnh, H.Lấp Vò, Đồng Tháp) trăn trở: “Từ năm 2012 đến nay không hiểu sao giá heo hơi lại xuống thấp như vậy. Hiện tại, chi phí nuôi heo dao động khoảng 4 triệu đồng/tạ. Thương lái chỉ mua từ 3,5 - 3,6 triệu đồng/tạ thì người nuôi không thể nào sống nổi”.

Người chăn nuôi khốn đốn
Nhiều trang trại nuôi gà ở ở H.Châu Thành (Long An) bỏ trống do thua lỗ

Cùng thời gian, những hộ nuôi gia cầm cũng lâm vào cảnh thê thảm do dịch cúm tái phát trên diện rộng và giá giảm mạnh. Ông Đinh Văn Thế, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An, cho biết giá gà công nghiệp tuột dốc chỉ còn khoảng 18.000 - 20.000 đồng/kg, khiến người nuôi lỗ hơn 10.000 đồng/kg. Do vậy, hàng loạt trang trại phải đóng cửa vì không cầm cự được. Trong khi đó, những hộ nuôi thủy sản như tôm, nghêu, cá tra… cũng đang mất ăn mất ngủ. Ông Phạm Minh Truyền, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết từ đầu vụ đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.350 ha tôm nuôi bị thiệt hại, do bệnh đốm trắng. Tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu…, hàng ngàn héc ta nuôi tôm cũng chết hàng loạt. Ông Nguyễn Khắc Phục (ở TX.Hồng Ngự, Đồng Tháp) cay đắng nói: “Giá cá tra hiện chỉ còn 21.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất từ 23.000 - 24.000 đồng/kg. Tôi vừa bán 700 tấn cá, lỗ khoảng 1 tỉ đồng”.

Khẩn cấp “cứu” người chăn nuôi

Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp, nhìn nhận: “Người chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn vì giá thấp, chi phí cao, dịch bệnh hoành hành, thiếu vốn đầu tư, khâu tiêu thụ khó khăn… Trước đây, đàn heo ở Đồng Tháp có hơn 400.000 con, nay giảm còn khoảng 200.000 con, do người nuôi thua lỗ phải bỏ nghề. Lượng heo hiện tại chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, 50% lượng heo còn lại buộc phải mua về từ tỉnh khác. Vì vậy, mục tiêu phát triển đàn heo, cũng như cung ứng lượng heo hơi cho các đô thị lớn trong nước coi như phá sản”. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, đàn heo của tỉnh cũng chỉ còn khoảng 250.000 con, giảm hơn 100.000 con so với 2 năm trước.

Người chăn nuôi khốn đốn
Giá heo liên tục giảm, người chăn nuôi ở P.2 (TX.Sa Đéc, Đồng Tháp) thua lỗ nặng

Với mục tiêu vực dậy ngành chăn nuôi, nhiều người đã đề xuất giảm nuôi nhỏ lẻ, tiến tới nuôi công nghiệp quy mô lớn để dễ chăm sóc, quản lý và kiểm soát dịch bệnh. Mô hình này xem ra là hướng đi đúng, song trên thực tế rất khó thực hiện do tập quán ở ĐBSCL vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ theo kiểu hộ gia đình. Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Vì vậy, trợ lực để vực dậy ngành chăn nuôi là rất cấp thiết. Cùng với việc chuyển đổi mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp, các ngành chức năng cần siết chặt quản lý, phòng ngừa dịch bệnh… Ngân hàng cũng cần vào cuộc mạnh hơn để đồng hành cùng người chăn nuôi”. Theo ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, trong điều kiện hiện nay rất khó chuyển một lúc từ nuôi nhỏ lẻ sang nuôi quy mô lớn. Vì vậy, người chăn nuôi nên chuyển từng bước một. Vấn đề đặt ra là phải khuyến cáo người nuôi xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn, kiểm soát chặt quy trình nuôi để có cách phòng dịch bệnh tốt hơn. Song song đó, làm sao gắn kết được người chăn nuôi với thương lái và doanh nghiệp để tìm hướng tiêu thụ ổn định cho sản phẩm. Khi nào người chăn nuôi kiểm soát được giá thành sản xuất, dịch bệnh, đầu ra của sản phẩm… thì mới tránh được tình trạng thua lỗ kéo dài.

An Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.