Báo cáo của các chuyên gia tư vấn tại Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey (trụ sở tại Mỹ) nhận xét Myanmar có thể tạo thêm 10 triệu việc làm và giảm nghèo cho 18 triệu người, theo AFP.
Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo nhiệm vụ của chính phủ Myanmar là tiếp tục cải cách kinh tế và chính trị trước những thách thức xã hội lớn.
Báo cáo ước lượng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng trưởng trung bình 4,7%/năm từ năm 1990 đến năm 2010, bị tụt lại so với các nước láng giềng trong khu vực, song có tiềm năng tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 8%/năm cho đến năm 2030.
|
Myanmar, một trong những đất nước nghèo nhất châu Á, đang vật lộn với tình trạng bạo lực tôn giáo đẫm máu đe dọa làm xói mòn các cải cách dưới thời chính phủ dân sự, vốn thay thế chế độ quân sự cách đây hai năm.
Các cuộc đụng độ tôn giáo tại bang Shan ở phía tây nước này đã khiến một người chết và nhiều người bị thương.
Các nhà đầu tư “muốn đoan chắc rằng chính phủ có thể giải quyết bạo lực sắc tộc và tôn giáo, duy trì động lực cải cách chính trị và kinh tế, và nới lỏng kiềm chế kinh doanh”, nghiên cứu viết.
“Myanmar có sức mạnh nội tại” với vị trí nằm giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á, và may mắn khi bắt đầu cải cách “trong thời đại số”.
Nước này có thể bỏ qua mô hình phát triển thông thường bằng cách nắm bắt công nghệ mới để đào tạo dân số vốn có trình độ học vấn trung bình là bốn năm học ở trường, và cung cấp các dịch vụ y tế, ngân hàng và kinh doanh hiện đại.
Sản xuất là bộ phận không thể thiếu với tốc độ tăng trưởng kinh tế và có thể tạo ra 10 triệu việc làm, theo McKinsey.
Viện này cũng thúc giục Myanmar chuyển đổi từ ngành nông nghiệp sang các công việc được trả lương cao hơn như công nghiệp may mặc.
Lĩnh vực sản xuất có thể bổ sung 70 tỉ USD cho GDP tính đến năm 2030, gấp bảy lần hiện tại, và vượt qua nông nghiệp, vốn mang lại 21,2 tỉ USD, để trở thành đầu tàu kinh tế.
Các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, khai thác mỏ, năng lượng, du lịch và viễn thông cũng có thể thúc đẩy nền kinh tế, song chỉ khi Myanmar đầu tư khoảng 320 tỉ USD để xây dựng mạng lưới giao thông và nhà máy điện hiện đại.
Tuy nhiên, sự phát triển phụ thuộc vào việc chính phủ mở rộng cải cách và bảo đảm ổn định nhằm thu hút đầu tư dài hạn.
“Nếu không thể xây dựng một kế hoạch tăng trưởng thuyết phục và thực thi nó hiệu quả, sự tín nhiệm và lạc quan thận trọng hôm nay có thể bay hơi rất nhanh”, báo cáo cảnh báo.
Sơn Duân
>> Xung đột tôn giáo tại Myanmar, một người chết
>> Myanmar đón luồng đầu tư từ Nhật Bản
>> Thủ tướng Nhật mang “quà lớn” đến Myanmar
>> Cơn sốt Myanmar
>> Myanmar trong tầm ngắm của các nước lớn
>> Ông Obama tán dương những cải tổ của Myanmar
>> Chuyến thăm lịch sử của lãnh đạo Myanmar đến Nhà Trắng
Bình luận (0)