Vắc xin cho muỗi
Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đang thực hiện “Dự án đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia” tại đảo Trí Nguyên (TP.Nha Trang, Khánh Hòa).
Wolbachia là vi khuẩn tìm thấy phổ biến trên khoảng 70% côn trùng trong tự nhiên, trong đó có nhiều loài sống gần người và thậm chí thường xuyên đốt, cắn người như kiến, bướm, bọ cánh cứng... Loại vi rút này được gây nhiễm trên muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn). Đây là loại muỗi truyền vi rút Dengue gây bệnh SXH cho người.
Khi ký sinh trên muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH), Wolbachia hoạt động theo cơ chế tương tự như vắc xin phòng ngừa nhiễm vi rút Dengue cho muỗi vì nó ức chế sự phát triển của vi rút Dengue trong loài muỗi này. Nó cũng làm giảm tuổi thọ của muỗi vằn. Các yếu tố này khiến cho muỗi vằn nhiễm Wolbachia không còn khả năng lây truyền bệnh SXHD sang người. Wolbachia không thể sống trên người. Bởi vậy, muỗi mang Wolbachia không gây nhiễm vi khuẩn này cho người.
Cạnh tranh với muỗi truyền sốt xuất huyết
Loăng quăng của những con muỗi vằn mang Wolbachia đầu tiên đã được thả trên đảo Trí Nguyên. Số loăng quăng này sau đó nở thành muỗi mang Wolbachia không còn hoặc rất ít khả năng lây truyền SXHD.
Muỗi vằn cái đã có “vắc xin” Wolbachia khi “kết hôn” với muỗi đực trong tự nhiên thì thế hệ sau của chúng cũng được mang Wolbachia, không có khả năng truyền SXHD. Còn con đực mang Wolbachia khi “kết hôn” với con cái trong tự nhiên thì trứng của chúng sẽ không nở được. Cứ như vậy, quần thể muỗi vằn truyền bệnh SXHD sẽ thay thế bằng muỗi vằn đã tiêm “vắc xin” Wolbachia không còn khả năng truyền bệnh SXHD.
Theo ông Nguyễn Trần Hiển, Giám đốc dự án nói trên thì: “Trước khi đặt loăng quăng của muỗi vằn mang Wolbachia, muỗi trong tự nhiên tại đảo Trí Nguyên đã được làm giảm đến 75% bằng phương pháp lọc bỏ loăng quăng của muỗi truyền bệnh SXH”. Để đạt được kết quả này, hơn 60 cộng tác viên là người địa phương đã được tập huấn để tiến hành vớt loăng quăng trong các lu, bể chứa nước trong các hộ gia đình. Sau 3 tháng “trục vớt” liên tục, số loăng quăng trong các hộ gia đình giảm xuống còn rất thấp, từ đó làm giảm số muỗi truyền SXHD trong tự nhiên.
Tại Úc, muỗi mang tác nhân sinh học Wolbachia đã được phóng thả tại thành phố Cairms từ năm 2011. Cùng với Việt Nam, nghiên cứu thay thế muỗi mang tác nhân sinh học Wolbachia đang được triển khai tại Trung Quốc, Indonesia, Brazil, Singapore và một số nước khác.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế, đánh giá: duy trì được lực lượng muỗi vằn mang tác nhân sinh học Wolbachia đồng nghĩa với việc không còn tác nhân truyền SXHD cho người. Mọi hoạt động của dự án đều chịu sự giám sát của Hội đồng đạo đức nghiên cứu y sinh của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cộng đồng.
Liên Châu
>> Vĩnh Long: Bệnh sốt xuất huyết tăng cao
>> Trái mùa, người mắc bệnh sốt xuất huyết vẫn nhiều
>> Sốt xuất huyết có thể trở thành đại dịch
>> 13 ca tử vong do sốt xuất huyết, tay chân miệng
>> Thêm một cháu bé tử vong do sốt xuất huyết
>> Chuyên đề dịch bệnh sốt xuất huyết: Đẩy lùi dịch bệnh từ môi trường sống
>> Sốt xuất huyết
>> Sốt xuất huyết tăng mạnh
>> Bệnh sốt xuất huyết: Dễ chết do chủ quan!
>> Xuất hiện loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm
Bình luận (0)