Tâm huyết với đá
Trong căn nhà nhỏ khá lộn xộn với những đá, những lá, những vật dụng in ảnh và cả những bài nhạc, bài thơ còn dang dở, nhạc sĩ Lê Nguyên Vỹ tiếp khách với tất cả sự chân thành và bộc trực. Vốn là một thầy giáo, rất mê sáng tác nhạc (đến nay “vốn liếng” của ông có hơn 50 bài). Những năm 1990, ông được xem là người đầu tiên của Đà Nẵng bỏ tiền túi làm CD với hơn 10 bài hát tập hợp lại. Người ta nghĩ ông “chuyên tâm” cho nghề giáo và âm nhạc. Bỗng một ngày, ông mang ra khoe với bạn bè những tấm ảnh đen trắng được in trên đá tuyết với độ nét hiếm thấy. Và từ khoảnh khắc ấy, ông dành hoàn toàn tâm huyết của mình cho những phiến đá.
|
Rồi dần dà, những bức ảnh đen trắng dần thay thế bằng những tấm ảnh màu sau bao nhiêu lần thử thách, xoay xở, thử nghiệm đủ cách và vốn liếng trong nhà gần như cạn kiệt để đầu tư cho ông. Và rồi ông đã thành công. Trên những phiến đá sần sùi, gần như là những viên đá bị vứt bỏ, ông đã in lên trên ấy những bức ảnh nghệ thuật, ảnh những nhạc sĩ nổi tiếng tài hoa, những danh thắng của đất nước... với độ tinh xảo hiếm thấy.
|
Lúc ấy, ông chỉ làm chơi và tặng bạn bè, gọi là hàng độc. Rồi dần dà, nhiều người biết tiếng, họ đến đặt mua số lượng lớn. Ông làm kinh doanh, rồi dùng tiền tái đầu tư cho đam mê của mình. Mỗi bức ảnh được phóng lên, ông và gia đình phải mất cả tuần để thực hiện. Giá của mỗi bức ảnh tính bằng mét vuông, hơn 13.000 đồng/m2, không tính tiền đá. 20 năm gắn bó với việc rửa ảnh lên đá, người ta cũng vẫn gọi ông là nghệ sĩ nghèo, vì ông cứ liên tục “tái đầu tư” cho những sáng tạo mới. Nhưng ông được rất nhiều người biết đến. Năm 2007, ông đã ghi tên vào kỷ lục Guinness Việt Nam với danh hiệu người đầu tiên và duy nhất thành công với việc rửa hình trên đá. Tính đến nay, hơn 4.000-5.000 tác phẩm phóng ảnh lên đá đã được ông thực hiện.
Nghệ thuật mới từ lời... bốc phét !
Say sưa với đá, cùng việc sáng tác nhạc, làm thơ nhưng ông không chịu dừng lại, bắt đầu đi tìm sáng tạo mới. Cách đây hơn 2 năm, một người bạn ở Mỹ gửi tặng ông một số hình ảnh về những họa sĩ vẽ tranh trên lá. Ông “nổ” với bạn: “Cái đó có gì khó, nhưng tôi sẽ không vẽ như họ. Tôi sẽ làm cách khác, bạn chờ xem!”. Rồi từ hôm đó trở đi, đêm nào ông cũng mất ngủ, thức cùng những chiếc lá để nghiên cứu đủ đường. “Mình đã lỡ bốc phét với bạn rồi, không làm thì mặt mũi nào mà nói chuyện!”, ông cười kể lại. Vậy là mất nửa năm cho một lời hứa, ông đã phá hàng ngàn chiếc lá, để cho ra một sản phẩm như ý. Đó là việc ngâm rửa những chiếc lá bồ đề dài ngày, cho đến khi lá trơ khung, ông sử dụng hóa chất để giữ lại gân lá. Và từ khung lá này, bằng kỹ thuật phóng ảnh điệu nghệ của mình, ông đã đưa những hình ảnh lên trên lá, giữ lại lâu bền trên chiếc lá ấy. Hơn 1 năm nay, ông đã cho ra đời sản phẩm mới trên lá, được đón nhận nhiệt tình. Hơn 1.000 tác phẩm đã ra đời trên những chiếc lá. “Nói thiệt, để làm nên những sản phẩm này, tôi nghĩ người làm ra có nhiều tố chất, phải biết về điện, cơ, lý hóa, nhiếp ảnh, kỹ thuật căn bản về phóng ảnh, về hội họa... Cái quan trọng nhất là tâm hồn nghệ sĩ. Không có tâm hồn nghệ sĩ giống như chiếc xe thiếu nhớt, không thể nào trơn tru, mềm mại trong sáng tạo được!”, ông Vỹ chia sẻ.
|
Ngồi trò chuyện với ông, thấy tâm đắc, ông mang ca khúc mới vừa được phổ nhạc ra khoe. Bài hát Chim dồng dộc với giai điệu trầm lắng, sâu thẳm. Ông cầm đàn tự hát ngân nga: “Chạm vào ước mơ, chạm vào ước mơ, trái tim bồi hồi...”. “Phải hơn 1 năm nửa tác phẩm mới hoàn thiện. Tôi không muốn làm cái gì dở dở ương ương, mà phải là sản phẩm hoàn hảo”, ông nói chắc nịch.
|
Trước những sáng tạo của Lê Nguyên Vỹ, lãnh đạo TP.Đà Nẵng đã bố trí cho ông gian hàng tại Cổ viện Chàm, mong muốn ông đem những tác phẩm tài hoa của mình giới thiệu với du khách. Rất nhiều du khách quốc tế khi tham quan gian hàng đã mê mẩn cố tìm cho bằng được ông để trò chuyện, và đặt hàng ông in hình gia đình, bè bạn mang về tặng cho mọi người. |
Diệu Hiền
>> Quyến rũ làng đá
>> Ngón nghề tài hoa - Kỳ 1: Túy họa giang hồ
>> Tài hoa bàn tay “thợ kép”
Bình luận (0)