TS Lê Minh Thông nhấn mạnh, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, những vấn đề thuộc bản chất chính trị của nhà nước, đường lối chính trị của đổi mới là phải giữ vững kiên định.
Thưa ông, mặc dù Ủy ban Dự thảo đã có giải trình trước QH lý do giữ nguyên tên nước nhưng qua thảo luận tại tổ vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng cách lý giải vẫn chưa thuyết phục?
Trong quá trình nghiên cứu trước khi trình lấy ý kiến nhân dân, vấn đề tên nước không được đặt ra. Nhưng trong quá trình lấy ý kiến về Hiến pháp xuất hiện một số kiến nghị của nhân dân đề nghị xem xét việc trở lại với tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). Ban biên tập cũng như Ủy ban Dự thảo trên tinh thần lắng nghe đã tổng hợp đầy đủ ý kiến nhân dân, trong đó có ý kiến đề xuất trở lại tên nước VNDCCH.
Về bản chất, hai tên gọi đều thống nhất, khẳng định chính thể của chúng ta là chính thể cộng hòa, bản chất của nhà nước chúng ta là dân chủ. Tên VNDCCH là tên khai sinh của đất nước ta, rất thiêng liêng, cao cả, gắn liền với Tuyên ngôn độc lập, gắn liền với lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh. Thế nhưng năm 1976, vì lúc đó chúng ta đổi tên nước thành CHXHCN VN, thể hiện được mục tiêu đi lên CNXH của nước ta một cách trực diện.
Tôi cho rằng, nếu cái tên nước CHXHCN VN và cái tên VNDCCH thống nhất về bản chất thì cần gì phải cân nhắc chuyện có nên trở lại với tên cũ đó không, mặc dù tên cũ gắn liền với một lịch sử. Lịch sử chúng ta tôn trọng, nhưng khi trở lại cái tên phải cân nhắc trên nhiều phương diện, không chỉ lịch sử của vấn đề mà còn những yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội trong mỗi một giai đoạn, cho nên dù vẫn tôn trọng ý kiến nhân dân nhưng ban biên tập vẫn đề xuất giữ lại tên nước như hiện tại. Hơn nữa, định hướng sửa đổi Hiến pháp của chúng ta là vấn đề gì thấy thật sự cần thiết thì sửa đổi, còn những quy định còn nguyên giá trị thì không đặt vấn đề phải sửa.
|
Thưa ông, ngoài vấn đề tên nước, vấn đề hiến định quyền phúc quyết về Hiến pháp của dân dù có rất nhiều ý kiến đề nghị nhưng vì sao chúng ta chỉ trình ra một phương án, thay vì 2 phương án để các ĐBQH bỏ phiếu lựa chọn?
Dự thảo đưa ra lấy ý kiến QH lần này cũng mới chỉ là dự thảo, chưa phải là phương án cuối cùng. Các ĐBQH là những người gắn bó với cử tri, đồng hành với nhân dân trong quá trình lấy ý kiến, họ là những người sâu sắc với nhân dân, lắng nghe được ý kiến trực tiếp của nhân dân thông qua hoạt động lấy ý kiến và tiếp xúc cử tri, họ vẫn có quyền đặt vấn đề đó ra trước QH. QH sẽ thảo luận và quyết định. Còn đây chỉ là dự thảo, chưa chính thức cho nên vẫn còn phụ thuộc vào quá trình thảo luận, thậm chí việc lấy ý kiến nhân dân đã kết thúc đâu, vẫn tiếp tục cho đến khi QH thông qua.
Những vấn đề thuộc về bản chất của chế độ, chúng ta phải giữ vững, còn những vấn đề liên quan đến phát triển thì chúng ta đưa ra các phương án để các ĐBQH thảo luận và quyết định.
Vậy cá nhân ông ủng hộ quyền phúc quyết của dân về Hiến pháp hay thuận theo đa số thành viên Ủy ban Dự thảo với một phương án duy nhất trình ra QH?
Tôi là một thành viên trong Ban biên tập dự thảo và vì vậy, thái độ của tôi là lắng nghe tất cả các bên để chúng tôi đưa ra phương án đệ trình cho cấp trên xem xét, không bị tác động bởi quan điểm chủ quan của mình để đặt mình vào một quan điểm cứng nhắc nào cả.
Ông bình luận thế nào trước một số ý kiến cho rằng Ủy ban Dự thảo quá “thận trọng” trong việc tiếp thu các ý kiến góp ý của nhân dân, thể hiện ở những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng vẫn được bảo lưu theo quan điểm ban đầu của ủy ban?
Ủy ban thận trọng là hoàn toàn đúng đắn bởi Hiến pháp là vấn đề hệ trọng, liên quan đến vận mệnh đất nước, liên quan tới số phận của một dân tộc và con đường phát triển, không thể không thận trọng được. Thận trọng trên phương diện chính trị, thận trọng trên phương diện tiếp cận thực tiễn, thận trọng trong phương diện đề xuất… để làm sao vừa giữ vững chế độ chính trị vừa tạo ra ổn định cho phát triển, tất nhiên sự ổn định đó được hiểu trong ý nghĩa vận động, phát triển. Hiến pháp không cho phép ai phiêu lưu cả.
Có thể thấy quyền hạn của Ủy ban Dự thảo trong việc định hình Hiến pháp là rất lớn, câu hỏi nhiều người đặt ra là trách nhiệm của ủy ban sẽ được nhìn nhận thế nào nếu bản Hiến pháp sửa đổi lần này không giải quyết những vấn đề bức xúc thực tiễn đặt ra, không đáp ứng được các yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới như mục tiêu sửa đổi?
Ủy ban Dự thảo đã làm việc thể hiện trách nhiệm rất cao, đề xuất của ủy ban là có tính toán trên tất cả các yếu tố, tôi tin rằng điều đó đáp ứng được nhu cầu phát triển. Còn tất nhiên là các góp ý rất khác nhau, nguyện vọng của nhân dân cũng rất khác nhau, nhiệm vụ của ủy ban là phải đưa ra mẫu số chung, đáp ứng được phát triển, đó mới là cơ bản.
Bảo Cầm
(thực hiện)
Bình luận (0)