Tiếp tục đề cập chủ quyền biển đảo

04/06/2013 03:20 GMT+7

Đề thi môn địa lý năm nay tiếp tục được dư luận chú ý vì câu hỏi rất thời sự về vấn đề chủ quyền biển đảo.

Đa số các ý kiến của giáo viên và học sinh đều đánh giá tích cực khi đề thi môn địa lý có câu hỏi về việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề về biển, đảo.

Ông Vũ Quốc Lịch, giáo viên dạy địa lý Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhận định: “Trong bối cảnh vấn đề biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp thì việc đề thi địa lý trong mấy năm gần đây đều đề cập đến nội dung này là rất cần thiết. Vấn đề này khơi gợi được sự hiểu biết và ý thức về chủ quyền dân tộc, có ý nghĩa lớn không chỉ đối với các thí sinh (TS) dự kỳ thi năm nay mà còn đối với thế hệ trẻ sau này”.


Thí sinh tại TP.HCM sau khi làm bài thi môn địa lý - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
 

Ông Vũ Quốc Lịch nói thêm: “Trong sách giáo khoa môn địa lớp 12 cũng đã nói đến vấn đề này. Tuy nhiên, nếu học sinh chỉ đọc sách giáo khoa mà không theo dõi tin tức thời sự thì phần trả lời sẽ không sâu sắc và đạt điểm tối đa được”.

Ở câu hỏi này, ngoài việc trả lời được ý chính là Việt Nam là quốc gia ven biển có các quyền và lợi ích quốc gia hợp pháp và chính đáng ở biển Đông, TS cần thể hiện được rằng: VN và các nước láng giềng đều phải hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết và tôn trọng luật pháp và công ước quốc tế để xử lý các vấn đề liên quan đến biển đảo. “Nếu có quan tâm và theo dõi vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng thì chắc chắn TS sẽ trả lời được điều này một cách dễ dàng”, ông Lịch nhấn mạnh.

Ngoài vấn đề biển đảo, đề thi địa lý năm nay khá thú vị bởi hướng nhiều đến kiến thức thực tế như: vấn đề lao động, việc làm… chứ không chỉ tập trung vào phần lãnh thổ VN hay 7 vùng kinh tế như các năm trước.

Rất khó đạt điểm tối đa môn địa lý

Nội dung đề thi nằm trọn vẹn trong nội dung chương trình sách giáo khoa Địa lý 12 theo chương trình chuẩn, chương trình nâng cao và chương trình giảm tải.

Nội dung đề thi có sự kết hợp cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Đề thi vừa sức học sinh, nhưng rất khó để đạt điểm tối đa.

Nội dung các câu hỏi đã được hệ thống trong cấu trúc đề thi mà Cục Khảo thí đã ban hành.

Câu I (1 và 2) là một câu hỏi giáo khoa, vô cùng đơn giản, thí sinh chỉ cần học thuộc bài là có thể làm được. Riêng câu I.1 có thể kết hợp sử dụng atlat. Câu II (1 và 2) là câu hỏi sử dụng sách giáo khoa. Câu III.1 là câu hỏi mang tính thời sự, thí sinh có thể trả lời theo sách giáo khoa. Câu III.2 thí sinh phải sử dụng kỹ năng vẽ và nhận xét, cũng là một câu đơn giản.

Tóm lại, đề thi năm nay tương đối dễ, rõ ràng, không có câu hỏi đánh đố, khả năng đạt điểm trên trung bình sẽ nhiều.

Đặng Thị Chiếu Huyền
(Giáo viên Trường trung học Thực hành - ĐH Sư phạm TP.HCM)

Không dành cho học sinh chỉ thuộc lòng

Đề thi môn sinh năm nay nhìn chung có mức độ phân hóa cao. Nhiều câu hỏi vận dụng nên những học sinh nào lười học bài hoặc chỉ học thuộc lòng (nhờ thầy cô dò bài) mà không hiểu bài thì không thể làm được. Do vậy đề thi năm nay giúp học sinh phải thay đổi phương pháp học tập và nên rèn thêm kỹ năng giải bài tập.

Nội dung đề thi sát chương trình giáo khoa cơ bản và nâng cao nên không gây bất ngờ cho học sinh. Cấu trúc đề đúng với quy định mà Bộ GD-ĐT đã ban hành, chương trình dàn trải đều ở các phần các chương nên học sinh không thể học tủ. Cách đặt câu hỏi vấn đề hết sức rõ ràng, trong sáng, dễ hiểu không có câu nào đánh đố học sinh.

Những câu vận dụng trong đề thi năm nay hay. Chẳng hạn câu 8, 20 mã đề 469. Năm nay đã có sự thay đổi về phương hướng ra đề thi, có sự phân hóa về trình độ học sinh. Do đó để đạt được tốt nghiệp, học sinh phải có sự rèn luyện từ đầu các kiến thức cơ bản cũng như nâng cao tính vận dụng, sáng tạo và không thể học tủ, học vẹt.

Phạm Thu Hằng - Đặng Yến
(Giáo viên Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM)

Tuệ Nguyễn

>> Đáp án môn địa lý: Nhiều ý không rõ ràng
>> Gợi ý giải đề thi môn Địa lý
>> Kỹ năng ôn tập tốt nghiệp môn Địa lý
>> Môn Địa lý dễ đạt điểm trung bình
>> Đề thi, gợi ý bài giải môn Địa lý, Lịch sử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.