Xây dựng lòng tin chiến lược là hành động!

03/06/2013 03:10 GMT+7

Đó là cách mà Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh chỉ ra để xây dựng “lòng tin chiến lược” theo lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra từ đầu Đối thoại Shangri-La.

Trong phát biểu khai mạc Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương Đối thoại Shangri-La (SLD) tại Singapore tối 31.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Chúng ta cần cùng nhau chung tay xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của khu vực”. Bởi theo Thủ tướng, “lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột”.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh các hành động cụ thể để xây dựng lòng tin trong khu vực
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh các hành động cụ thể để xây dựng lòng tin
trong khu vực - Ảnh: Thục Minh

“Thủ tướng Dũng đã nhắc đi nhắc lại cụm từ lòng tin chiến lược đến 17 lần trong bài phát biểu. Các nhà quan sát ngồi cùng bàn với tôi tối đó muốn biết cụ thể hơn về điều này”, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc chia sẻ với Thanh Niên ngay sau khi SLD kết thúc chiều 2.6. “Điều thú vị là ở đoạn cuối diễn đàn này, lòng tin chiến lược trở thành chủ đề chiếm lĩnh. Tất cả các bộ trưởng quốc phòng đều nêu lại và đặt vấn đề làm sao để biến nó thành thực tiễn”, ông Thayer bình luận. “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thành công trong việc đặt chủ đề lòng tin chiến lược vào nghị trình SLD lần thứ 12 này”, ông nói.

 

Hành xử vô nhân đạo với ngư dân là không thể chấp nhận được, đó là quy định chung của luật pháp quốc tế và là đạo lý của thế giới hiện đại

Thứ trưởng Quốc phòng,
thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

Thay mặt Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã “trình bày một cách tuyệt vời cách tiếp cận của Việt Nam về khái niệm này”, theo Giáo sư Thayer. “Thứ trưởng Vịnh đã đề cập các vấn đề mà những người khác thường né. Đó là hành động để biến lời nói thành thực tiễn”, ông Thayer kết luận sau phát biểu với chủ đề Hợp tác quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương của Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh tại phiên họp bế mạc SLD.

Hành động thực tiễn

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chỉ ra rằng: “Chỉ có hành động mới nảy sinh kết quả. Nó là sự bảo đảm của thành công. Bất cứ một mục tiêu hay kế hoạch to lớn nào, cuối cùng cũng phải giải quyết bằng hành động”. Thực tế, theo ông là “chúng ta đã có không ít cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh mang tầm vóc khu vực, thế giới, và chúng ta cũng đã đưa ra nhiều thỏa thuận, tuyên bố, cam kết”. Tuy nhiên, “để biến các cam kết đó thành hành động, chúng ta cần tiếp tục xây dựng lòng tin. Cách tốt nhất để xây dựng lòng tin vẫn là hành động”, ông lập luận. “Các nước phải thực tâm hợp tác, đặc biệt là các cường quốc, thực hiện cam kết đi đôi với hành động, lấy hành động trên thực tế để chứng minh cho trách nhiệm của mình”,

Điển hình, ông nhắc lại, chính Việt Nam năm 2010 đã khởi xướng và thúc đẩy mở rộng Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) thành ADMM+ với sự tham gia của 8 đối tác lớn gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, New Zealand, Nga và Mỹ. Đây là cơ chế tham vấn và hợp tác cao nhất về quốc phòng, an ninh giữa ASEAN với các nước đối tác.

Bên cạnh đó, trong tháng 6.2013 này, “Việt Nam sẽ cử lực lượng quân đội tham gia diễn tập trên thực địa về hỗ trợ nhân đạo - cứu trợ thảm họa và quân y tại Brunei” cùng 17 quốc gia còn lại trong ADMM+. “Đây là lần đầu tiên ADMM+ phối hợp hành động trên thực địa; và cũng là lần đầu tiên Việt Nam cử lực lượng quân đội ra nước ngoài tham gia các hoạt động đa phương”, ông cho hay.

Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến mới là thành lập Nhóm hành động nhân đạo về bom mìn của ADMM+, dự kiến sẽ được chính thức thông qua tại ADMM+ vào tháng 8.2013. Trong khi đó, tối 31.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thông báo: “Việt Nam đã quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, trước hết là trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự”.

Giữ an toàn, an ninh trên biển

“Thời gian qua, các lực lượng của chúng tôi đã cứu được rất nhiều ngư dân gặp nạn trên biển, trong đó có nhiều ngư dân nước ngoài. Đặc biệt, tháng 11.2012, Cảnh sát biển Việt Nam đã bắt giữ được một vụ cướp biển gồm 11 tên có vũ trang trên biển Đông”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nói. “Điều đó khẳng định quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam bảo đảm tự do, an ninh an toàn trên đường hàng hải quốc tế nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước LHQ về luật Biển 1982, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực”, ông nói.

Qua đó, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đề nghị các bên có liên quan đến biển Đông tôn trọng và bảo vệ ngư dân, tuyệt đối không sử dụng vũ lực với ngư dân dưới bất kỳ hình thức nào, cả quân sự và phi quân sự. Hành xử vô nhân đạo với ngư dân là không thể chấp nhận được, đó là quy định chung của luật pháp quốc tế và là đạo lý của thế giới hiện đại”.

Ông tiếp tục đề nghị các nước cần tăng cường hợp tác về hoạt động của hải quân, cảnh sát biển, biên phòng; thiết lập đường dây nóng giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN... Đặc biệt, “Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN có thể xem xét ký cam kết không sử dụng vũ lực trước để tăng cường tin cậy trong ASEAN, từ đó rút kinh nghiệm mở rộng với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nói. Sáng kiến này được Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh đưa ra tại Brunei hồi tháng 5.2013. Phát biểu trong phiên họp bế mạc SLD, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen tuyên bố: “Singapore ủng hộ sáng kiến của Việt Nam về một cam kết như vậy”.

“Trong quá trình hợp tác, chúng ta cần lắng nghe dư luận, quyết định trên cơ sở luật pháp quốc tế, có tính đến lợi ích chính đáng của các bên, thể hiện sự bình đẳng, tôn trọng lợi ích của nhau, cũng như tôn trọng lợi ích chung của khu vực. Làm được như vậy, chúng ta sẽ không tạo ra sự khu biệt và không đơn phương giải quyết các vấn đề mang tính khu vực và quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh kết luận.

Sau cùng, Giáo sư Thayer đánh giá: “Việt Nam đang ngày một chủ động trở thành đối tác quốc phòng và ngoại giao đáng kể trong khu vực”. Ông cũng kỳ vọng chủ đề “lòng tin chiến lược” sẽ tiếp tục được thảo luận tại Diễn đàn khu vực ASEAN vào cuối tháng này tại Brunei.

Hoài nghi về Trung Quốc

Cũng trong sáng 2.6, Phó tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc Thích Kiến Quốc có bài phát biểu về những xu thế mới trong an ninh châu Á - Thái Bình Dương. Với thông điệp không mới, ông Thích nói rằng Trung Quốc luôn chủ trương phát triển hòa bình và đối xử hữu nghị với mọi quốc gia. Tuy nhiên, chính quan chức này lại ngang ngược tuyên bố tàu chiến Trung Quốc sẽ tiếp tục tuần tra tại các vùng biển tranh chấp trên biển Đông và Hoa Đông mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền. Hoạt động của tàu công vụ Trung Quốc thời gian qua gây rất nhiều quan ngại nhưng ông Thích ngang nhiên nói chúng “hợp pháp và không có gì để tranh cãi”.

Hơn 350 chuyên gia quân sự, học giả, giới ngoại giao tham dự SLD tỏ ra hoài nghi các tuyên bố về chính sách của Trung Quốc. Có đến 17 câu hỏi được đặt ra cho ông Thích. Nhiều câu có tính chất nghi ngờ, cáo buộc Trung Quốc cậy mạnh ép các nước láng giềng yếu hơn, không tuân thủ luật pháp quốc tế và hành xử thô bạo trên biển. Giáo sư Thayer nói ông kỳ vọng những lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ mềm dẻo hơn sau khi chứng kiến sự hoài nghi của cử tọa hôm qua.

Thục Minh
(VP Singapore)

>> Trung Quốc ngang nhiên nói tàu chiến tuần tra trên biển Đông là hợp pháp
>> Đoàn Trung Quốc nóng mặt tại Đối thoại Shangri-La
>> Yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho ngư dân Việt Nam
>> Nhiều tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc cản trở
>> Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Hợp tác quốc phòng vì hòa bình (*)
>> Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu Bộ Quốc phòng dự Shangri-La 12

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.