>> Vụ cháy kinh hoàng ở cây xăng: Lời kể của những người chạy ra từ tường lửa
>> Cận cảnh vụ cháy kinh hoàng giữa trung tâm Hà Nội
>> Nguy cơ cháy cây xăng
>> Vụ cháy kinh hoàng ở cây xăng: May là xe bồn không phát nổ
>> Xe bồn chở xăng phát nổ, bốc cháy dữ dội ngay trung tâm Hà Nội
Sáng nay 4.6, Thanh Niên Online đã có buổi gặp gỡ với 9 chiến sĩ xả thân dập lửa trong vụ cháy tại cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) chiều 3.6, đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn.
|
Chiến sĩ Phạm Văn Phúc (24 tuổi, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp Q.Hoàn Kiếm) chia sẻ, dù đã có 2 năm kinh nghiệm nhưng chưa bao giờ anh đối mặt với đám cháy lớn như vậy.
“Mặc dù biết đám cháy ở cây xăng sẽ tiềm ẩn nguy cơ nổ lớn, rất nguy hiểm nhưng khi nhận nhiệm vụ tôi luôn sẵn sàng, không hề nao núng, sợ hãi. Khi đến hiện trường, ý nghĩ duy nhất trong đầu mình lúc đó là làm sao để sớm dập tắt ngọn lửa. Nhiều anh em khác cũng có chung ý nghĩ như tôi”, anh Phúc nói.
Anh Phúc cũng tâm sự thêm, lúc tạm thời dập tắt được ngọn lửa, tất cả anh em rất vui mừng, khuôn mặt nở nụ cười tươi rạng rỡ. Nhưng đúng lúc Phúc cùng 4 chiến sĩ khác định múc xăng trong xe bồn đổ vào thùng phuy thì ngọn lửa bất ngờ bùng phát trở lại, bốc thẳng vào mặt khiến cả 5 người đều bị bỏng ở vùng đầu, mặt, cổ, tay… Riêng anh Phúc bị bỏng khắp vùng mặt, cháy xém lông mày, hai tay bỏng nặng.
Cũng bị thương khắp vùng mặt như anh Phúc, anh Nguyễn Trung Thủy (24 tuổi, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp Q.Đống Đa) nhớ lại: “Tôi là người đầu tiên bị thương trong vụ hỏa hoạn. Ngọn lửa bùng lên dữ dội, tôi đang cầm vòi phun nước vào chiếc xe bồn chứa xăng đang bốc cháy ngùn ngụt thì bị hơi nóng từ đám cháy phả vào mặt. Đến lúc không chịu được nữa, tôi mới buông vòi chạy ra lấy nước dội từ mặt xuống chân rồi nhờ người đưa vào Bệnh viện Quân y 108 sơ cứu”. Sau khi được sơ cứu, anh Thủy tiếp tục trở lại hiện trường hỗ trợ dập lửa.
|
Một chiến sĩ khác phải băng kín hai chân do bị xăng cháy lan gây bỏng kể lại, chưa thấy trận chiến chống “giặc lửa” nào ác liệt như vụ cháy trạm xăng chiều 3.6. Nhiều lúc tưởng chừng đã khống chế được đám cháy nhưng rồi ngọn lửa lại bùng lên dữ dội, khả năng đe dọa nổ xe bồn rất lớn. Dù thoáng sợ hãi “quả bom xăng khổng lồ” phát nổ nhưng anh và đồng đội không hề nào núng, nghĩ mọi cách dập tắt đám cháy.
“Nguy hiểm nhất là vừa phải lo dập ngọn lửa cháy ngùn ngụt từ xe bồn đang có 30 m3 xăng, lại vừa phải lo sơ tán hơn 100 m3 dưới bể chứa của cây xăng. Nếu để phát nổ, chắc chắn hậu quả sẽ khôn lường”, anh Vinh, nằm điều trị gần giường anh Phúc cho biết.
|
Một số chiến sĩ ở đây kể lại, xác định vụ cháy mang tính chất phức tạp, nguy hiểm do là cháy xăng với số lượng lớn nên lãnh đạo đã chỉ đạo, một mặt dùng nước làm mát chiếc xe bồn để hạn chế nguy cơ nổ, mặt khác tích cực dùng khí CO2 phun vào để dập tắt lửa. Một bộ phận chiến sĩ khác có nhiệm vụ dùng cát be bờ để ngăn không cho xăng nổi trên mặt nước, chảy tràn, cháy lan ra ngoài. Nhiều người khác tích cực sơ tán đồ đạc, khoanh vùng đám cháy. Đa số những người tham gia chữa cháy đều phải phun nước ướt hết người để hạn chế khả năng bị bắt lửa, gây bỏng.
|
Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn, cho biết sau khi được sơ cứu ở Bệnh viện Quân y 108, cả 9 chiến sĩ PCCC được đưa sang điều trị tích cực tại Bệnh viện Xanh Pôn.
Qua theo dõi ban đầu, tình hình sức khỏe của các chiến sĩ đều đã ổn định. Chỉ có trường hợp của chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh (25 tuổi, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp Q.Hoàn Kiếm) vẫn phải theo dõi đặc biệt.
Hoàng Anh bị ngạt khói trong lúc làm nhiệm vụ, tổn thương vùng trong dẫn tới hôn mê. Sau khi cấp cứu, Hoàng Anh đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn cần phải tiếp tục theo dõi đặc biệt. Bà Đinh Thị Thanh Hà, mẹ của chiến sĩ Hoàng Anh, lo lắng không rời giường bệnh.
“Sau khi nhận được tin em nó bị thương hôn mê, bất tỉnh, tôi điếng người, chạy ngay đến bệnh viện. Hy vọng Hoàng Anh và các anh em sẽ mau chóng bình phục”, bà Hà chia sẻ.
Ngoài 9 chiến sĩ Cảnh sát PCCC bị thương cũng còn một số người dân tham gia cứu hỏa cũng bị bỏng nhẹ.
Đan Hạ - Hà An
Bình luận (0)